-
8h35
Phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.
Phiên chất vấn có 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ nội dung, nắm chắc vấn đề, "trả lời thẳng thắn, tâm huyết", các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch. Ảnh: Media Quốc hội
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch và các Bộ trưởng liên quan tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù.
Thứ hai là khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ ba là sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành và phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Thứ năm là tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
-
8h25
Công nghiệp văn hóa phấn đấu đạt 7% GDP
Bà Trần Thị Hồng Thanh (Phó đoàn Ninh Bình) cho rằng phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch. Phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bền vững.
"Theo Bộ trưởng, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch", nữ đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Hùng cho rằng trong chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030 đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa. Du lịch văn hóa đã được xác định là công nghiệp văn hóa. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng tổ chức hội nghị phát triển công nghiệp văn hóa và quan điểm của Thủ tướng là "tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa" để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội
Công nghiệp văn hóa cần phát triển theo hướng sáng tạo, bản sắc, chuyên nghiệp, cạnh tranh và bền vững. "Đi theo hướng này, chắc chắn ngành công nghiệp văn hóa của chúng ta sẽ đóng góp vào GDP, hy vọng đến 2030 là 7%", ông Hùng nói.
Theo ông, các giải pháp phải tiến hành đồng bộ, du lịch văn hóa phải chiếm tỷ trọng nhiều hơn. Hiện nay, du lịch văn hóa mới đóng góp 10-15% trong tỷ trọng du lịch, chưa tương xứng tiềm năng. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương đã làm rất tốt nội dung này.
Ông lấy ví dụ như Văn miếu Quốc tử giám trước đây chỉ có học sinh đến khi mùa thi cử, nhưng Hà Nội đã thổi hồn vào đó, giúp thu hút rất nhiều khách. Hoặc Nhà tù Hỏa Lò là nơi giam giữ nhà lãnh đạo, chiến sĩ cách mạng yêu nước, nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng, nhưng từ khi có các hoạt động vào buổi đêm, du khách đến trải nghiệm rất đông và có ấn tượng sâu sắc.
-
8h20
Đồng bào thiểu số phải yêu tiếng của dân tộc mình
Đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đột phá, khả thi, để thực hiện tốt việc bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bộ trưởng nhiều lần nhắc đến vấn đề tiếng nói và chữ viết của dân tộc hiện nay đang được phục dựng và khôi phục, song bà Lịch thấy chữ viết và văn hóa bản sắc dân tộc không những ngày càng mai một mà chỉ 10-20 năm đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không còn nói được tiếng nói của mình.
Đại biểu Leo Thị Lịch tại Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa thì quan trọng nhất là nâng cao nhận thức. Các dân tộc phải yêu thích chính nét đẹp văn hóa của mình.
"Nâng cao nhận thức nghe có vẻ kinh điển nhưng nhận thức tốt sẽ có sản phẩm đẹp. Ví dụ, nếu đồng bào không yêu thích trang phục của dân tộc mình mà chỉ thích mặc quần áo của người Kinh thì làm gì còn bản sắc văn hóa. Ngôn ngữ cùng vậy, mình phải tự học, tự thực hành, yêu thích nó thì mới có thể giữ gìn", ông Hùng nói.
-
8h10
Muốn xây nhà nghỉ trong trang trại để du khách trải nghiệm mà không thể
Đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn Đăk Nông) đánh giá việc thu hút đầu tư du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi không hiệu quả. Trong khi đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất giàu bản sắc, giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp và gắn với sản xuất nông nghiệp. Ông thấy nếu tập trung phát triển du lịch sẽ vừa bảo tồn giá trị vừa giúp nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, chính sách pháp luật về đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp kết hợp du lịch chưa hoàn thiện nên khó thu hút đầu tư. Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết giải pháp về vấn đề này.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết các gói sản phẩm du lịch phải dựa trên tài nguyên, bản sắc văn hóa, dân tộc. Hiện nay, vùng Tây Nguyên đã ra mắt các điểm du lịch cộng đồng và "mọi việc đều đi đúng hướng". Các đồng bào dân tộc có các sản phẩm độc đáo, riêng biệt như ẩm thực, trâu gác bếp, chẩm chéo.
Quy hoạch du lịch kết hợp với nông nghiệp không có bất cập gì, song khai thác du lịch lâm nghiệp còn điểm nghẽn. Ông ví dụ, trong trang trại muốn xây nhà nghỉ sẽ không được vì đây chỉ là đất lâm nghiệp. Do đó mong muốn của du khách là đến trang trại nghỉ để trải nghiệm, để đắm chìm trong thiên nhiên sẽ không thể thành hiện thực.
Theo ông Hùng, vừa qua Quốc hội đã xem xét, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thi hành Luật đất đai, trong đó có một mục là đất đa mục tiêu. "Trong thực hiện mô hình du lịch lâm nghiệp, chính quyền địa phương phải linh hoạt chứ không nên cứng nhắc", ông nói.
-
8h05
Giá vé máy bay đã "hạ nhiệt"
Đại biểu Lý Thị Lan (Phó đoàn Hà Giang) nêu thực trạng giá vận chuyển trong nước thời gian qua tăng cao, điển hình là giá vé máy bay, dẫn đến giá tour du lịch trong nước tăng so với tour du lịch quốc tế. Điều này đã làm ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của ngành du lịch. "Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ về vấn đề này, nhất là về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?", đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Lý Thị Lan. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là vấn đề bức xúc thời gian qua. Ông nói giá vé thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, song Bộ Văn hóa không đứng ngoài cuộc. Giá tăng tác động đến kinh tế xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Theo ông, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay và dịch vụ chiếm 30-40%, do đó giá vé tăng cao thì ảnh hưởng đến giá tour, giảm đi năng lực cạnh tranh của tour. Khi làm việc với các đơn vị liên quan, ông được biết giá vé tăng do chi phí dịch vụ ở sân bay; giá đầu vào nhiên liệu; và số lượng máy bay phải bảo dưỡng lớn.
"Chúng tôi đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, ban hành chính sách giảm giá, phí điều hành tại các sân bay, góp phần hạ giá tour", ông Hùng nói.
Ông đề nghị các hãng hàng không đảm bảo số lượng máy bay để phục vụ các tuyến và tăng cường chuyến đêm, khung giờ bay để đáp ứng nhu cầu đi lại. Ông Hùng cũng đề nghị doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt và xây dựng gói sản phẩm kích cầu trong du lịch, hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, từ ngày 28/5, giá vé tại các tuyến đã giảm nhiệt. Theo ông Hùng, lĩnh vực này phải quán triệt quan điểm "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ". Hàng không, điểm đến du lịch và các ngành kinh tế phải tính toán.
-
8h00
Kết thúc phiên chất vấn chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời 10 chất vấn và 1 tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ làm rõ một số vấn đề đại biểu đặt câu hỏi về 4 lĩnh vực chất vấn trong hai ngày qua.
Đại biểu Bế Trung Anh (Thường trực Hội đồng Dân tộc) cho biết việc nhận diện các vấn đề về văn hoá phi vật thể rất khó. Trong khi đó, đối với dân tộc thiểu số, văn hoá vật thể còn hữu hạn, văn hoá phi vật thể lại rất quan trọng. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể đặc thù như thế nào để các giá trị văn hoá phi vật thể giàu bản sắc đóng góp vào đời sống vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số?
Đại biểu Trình Lam Sinh Phó đoàn An Giang nói năm 2016, Chính phủ ban hành Đề án 1437 về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài. Mục tiêu là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 930 người được cử đi học để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho văn hóa, nghệ thuật. Hiện nay, chỉ còn có 6 năm là kết thúc Đề án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tình hình thực hiện của Đề án hiện nay ra sao và Bộ trưởng có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu đến năm 2030?
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Bí thư Huyện ủy Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nói từ năm 2020 đến nay, các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu, các thiết chế văn hóa xã an toàn khu cách mạng chưa được triển khai. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết việc triển khai các chính sách nêu trên như thế nào.
Đại biểu Trần Đình Gia (Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nói việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của các di sản ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn cần nguồn lực xã hội hóa. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng góp vốn để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với khai thác du lịch. Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch về vấn đề này.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Phong