Phát biểu tại lễ khai giảng Đại học Quốc gia TP HCM hôm 12/10, Tiến sĩ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ - cho rằng mức đầu tư của Việt Nam dành cho nghiên cứu khoa học còn ở mức thấp. Cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc, chế độ đãi ngộ cũng chưa hợp lý khiến nhiều nhà khoa học không thể sống được bằng chất xám của mình.
Đứng trước hàng nghìn sinh viên Đại học Quốc gia, tư lệnh ngành khoa học nói rằng mỗi sinh viên, giảng viên phải có tư duy nghiên cứu khoa học vì đây là động lực giúp Việt Nam phát triển. Các trường đại học cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ trưởng, cùng với giáo dục, khoa học công nghệ chính là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương thì nó sẽ quyết định việc Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước phát triển trong TPP hay không. Khoa học công nghệ sẽ giúp chúng ta nâng cao chất lượng và hạ giá thành để cạnh tranh được với những quốc gia hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore...
Tuy vậy, việc phát triển Khoa học công nghệ của Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế. Hàng năm nhà nước chỉ dành cho ngành 2% tổng chi ngân sách quốc gia, tương đương khoảng 1 tỷ USD - thấp hơn rất nhiều so với các nước xung quanh. "Là người đứng đầu ngành tôi vẫn còn nợ các nhà khoa học Việt Nam hai việc, đó là tháo gỡ cơ chế tài chính và chế độ đãi ngộ cho những nhà nghiên cứu", ông Quân chia sẻ.
Trước những nhà khoa học trẻ tương lai, ông Quân cho biết trong những năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tháo gỡ hai vấn đề trên. Ngoài ra, Luật cũng bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước phải dành tối đa 10% thu nhập trước thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ, các doanh nghiệp tư nhân cũng phải có tinh thần này.
Đồng thời, Bộ cũng sẽ tạo ra nhiều cơ chế mới hỗ trợ nhà nghiên cứu. Cơ quan đặt hàng sẽ phải chịu trách nhiệm ứng dụng những nghiên cứu đã đặt hàng; cơ chế khoán - chi Nhà nước sẽ thanh lý các hợp đồng nghiên cứu nhanh gọn, không cần thủ tục rườm rà; còn cơ chế gây quỹ sẽ giúp cho nhà nghiên cứu có kinh phí thực hiện ngay sau khi ký hợp đồng.
Cũng có mặt trong buổi lễ khai khóa, ông Phan Thanh Bình - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhắn nhủ sinh viên phải biết chuẩn bị cho tương lai của chính mình. "Các em đến trường trên đôi vai của cha, trên sợi tóc bạc của mẹ. Con sóng Biển Đông cũng chưa bao giờ bình yên. Các em phải làm gì, chuẩn bị gì cho cha mẹ, cho đất nước", ông Bình kêu gọi.
Nguyễn Loan