Chiều 16/11, trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo về nguyên nhân chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam không có văn bản quy định về hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm. Luật công nghệ cao mới có điều khoản nói cần sớm có quỹ đầu tư mạo hiểm, song việc triển khai lại vướng Luật ngân sách, đầu tư. Bộ Khoa học đã trình Chính phủ nghị định hướng dẫn về quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa được chấp nhận do thiếu tính pháp lý.
Mặc dù chưa có quy định song Bộ Khoa học vẫn thí điểm đề án thương mại hóa công nghệ cấp bộ như mô hình thung lũng Silicon. Trong đó đã có 10 doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp bằng ý tưởng công nghệ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Thậm chí, có nhóm sinh viên được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 2 triệu USD cho dự án khởi nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu chuyển pháp nhân doanh nghiệp sang Thái Lan hoặc Singapore vì ở Việt Nam thiếu pháp lý cho mô hình này. "Mong Quốc hội ủng hộ để có quy định cao nhất về quỹ đầu tư mạo hiểm nếu không doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Trả lời đại biểu Trương Văn Vở về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, do quy định chưa cụ thể nên chương trình đổi mới công nghệ quốc gia có những vướng mắc. Song hiện nay Quỹ đổi mới công nghệ đã có kinh phí hoạt động. Bộ đã tiếp nhận hồ sơ của 200 doanh nghiệp có nhu cầu vốn, sắp tới sẽ được lựa chọn để hỗ trợ.
Hàng năm, ngân sách chỉ dành 1,3-1,5% tổng chi cho khoa học công nghệ, phần lớn chi đầu tư và chi thường xuyên. Do vậy, chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng được dành cho các đề tài công nghệ từ cấp nhà nước đến cấp tỉnh. Ngành đã phải tận dụng tối đa năng lực của các viện, trường để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Đoàn Loan