Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục sáng 31/10, Bộ trưởng Hùng giải thích tiếng mẹ đẻ để giữ gìn văn hóa, truyền thống; tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ lập trình coding để giao tiếp với người máy. Ông Hùng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc việc đưa các ngôn ngữ này thành môn học bắt buộc trong bậc phổ thông.
Khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến. Trong khi mức trung bình của hơn 200 quốc và vùng lãnh thổ trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) là 67,15%. "Điều này tạo niềm tin nếu quyết tâm, chúng ta có thể làm những điều đặc biệt", ông Hùng nói.
Sau khi chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, ông Hùng cho rằng ngành giáo dục cần đi đầu trong lĩnh vực này. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi chuyển đổi số nên được xây dựng từ giới trẻ đầu tiên, sau đó thúc đầy toàn xã hội.
Ông Hùng chia sẻ thêm, chuyển đổi số ngành giáo dục chủ yếu là thay đổi mô hình và cách tiếp cận. Trước kia, việc học chữ là chính, giáo viên có vai trò chủ đạo trong buổi học, nhưng hiện nay chương trình chú trọng việc cho học sinh thực hành nhiều hơn, thầy cô sẽ hướng dẫn.
"Lợi thế của Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số mạnh, có thể phát triển nền tảng số. Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy đặt ra các bài toán, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện", ông Hùng nói và đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi một số quy định để chính thức hóa việc học trực tuyến, giúp thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của giáo viên, học sinh.
Năm học 2020-2021, cả nước có khoảng 25 triệu học sinh, sinh viên. Sau đợt Covid-19 vào tháng 3 năm học trước, học sinh, sinh viên cả nước đã làm quen với việc học trực tuyến.
Xuân Hoa