-
14h55
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: 5 trụ cột phát triển công nghệ thông tin
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong thời đại công nghiệp 4.0, Việt Nam đang hướng tới kinh tế xanh, kinh tế số. Để công nghệ thông tin phát triển, cần có 5 trụ cột cốt lõi, gồm hạ tầng công nghệ thông tin; dữ liệu lớn để chia sẻ, ứng dụng AI; bảo mật công nghệ thông tin an ninh mạng; phát triển nhân lực, đề án phát triển tài năng công nghệ 4.0; ứng dụng công nghệ thông tin như Ai, Blockchain, điện toán đám mây.
Theo ông Phớc, trong thời đại số, báo chí và mạng xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội mới. Để thích ứng với sự thay đổi, báo chí cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực của đội ngũ phóng viên, và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho báo chí bằng cách giảm thuế và tăng cường hỗ trợ tài chính (giảm từ 20% xuống 10%). Đối với mạng xã hội, việc quản lý nội dung là một vấn đề cấp bách, Nhà nước cần có những quy định rõ ràng để hạn chế thông tin sai lệch, bảo vệ quyền lợi người dùng và đảm bảo an ninh mạng.
-
14h40
Bộ trưởng Công an: Tin giả làm thị trường thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết tin giả, tin sai sự thật gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế xã hội, chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như hành vi tạo dựng, tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân.
"Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản. Có những tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán", ông Quang nói.
Ngoài ra, người dùng mạng còn lập, sử dụng hội, nhóm kích động những hành vi lệch chuẩn, đồi trụy, kích dục, thậm chí lập hội, nhóm để thông tin đối phó, kích động chống đối lực lượng chức năng. Trong đó có nhóm Báo chốt 141, Thông chốt kiểm soát nồng độ cồn bắn, tốc độ...
Bộ trưởng Công an nhìn nhận mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe khi Nghị định 15 quy định khung phạt chỉ 5-10 triệu đồng. Cạnh đó, pháp luật thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa tin giả tin sai sự thật trên không gian mạng.
"Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng?", ông đặt vấn đề, cho biết Bộ Công an đang kiến nghị sửa đổi theo hướng không cần xem xét đến hậu quả vẫn có thể xử lý những vi phạm này.
-
14h35
Cáp viễn thông 'giăng mắc như mạng nhện'
Đại biểu Tráng A Dương nêu thực trạng mạng lưới cáp viễn thông giăng mắc như mạng nhện gây mất an toàn cho người dân. Nhiều đoạn cáp phải buộc vào dây điện làm tăng nguy cơ chập điện, mất an toàn. "Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng nêu trên", ông đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sự phát triển nhanh chóng của các nhà mạng đã góp phần lớn vào việc mang đến dịch vụ viễn thông giá rẻ cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chưa đầu tư mạnh vào việc ngầm hóa cáp cũng là một yếu tố đáng lưu ý, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành viễn thông, Bộ sẽ yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, ưu tiên việc ngầm hóa hoặc treo cáp đảm bảo an toàn. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương để xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông đồng bộ và hiệu quả.
-
14h25
Chưa có bằng chứng trạm phát sóng BTS ảnh hưởng sức khỏe
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, phản đối lắp đặt các trạm thu phát sóng di động (BTS) và chỉ ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc lắp đặt khoảng 800 trạm phát sóng đang gặp nhiều khó khăn, chiếm 6% tổng số trạm. Dù công suất của trạm phát sóng lớn hơn điện thoại di động nhiều lần, nhưng sóng điện từ giảm nhanh chóng sau 5 mét và tác động của điện thoại đến sức khỏe còn đáng lo ngại hơn. Các tổ chức y tế thế giới khẳng định chưa có bằng chứng khoa học cho thấy trạm phát sóng gây hại cho sức khỏe.
Việc triển khai trạm phát sóng gặp nhiều khó khăn do sự phản đối của một số hộ dân, thủ tục hành chính rườm rà và thiếu nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng viễn thông.
-
14h20
Kế hoạch phê duyệt hạ tầng viễn thông thụ động quý 1/2025 vẫn khả thi
Đại biểu Đinh Văn Thê nói cuối tháng 7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định yêu cầu các địa phương phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và xong trong quý 1 năm 2025. "Tại sao đến nay Bộ vẫn chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định này", ông Thê chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nghị định được Bộ Thông tin và Truyền thông trình từ tháng 6/2024, đến nay chưa ban hành được vì còn một số nội dung vướng mắc. Vì vậy Bộ đã ban hành hướng dẫn với các tỉnh làm căn cứ thực hiện quy hoạch. Khi nghị định được ban hành thì ngay sau đó địa phương sẽ ký quy hoạch.
Ông Hùng cho biết tuần tới Chính phủ họp phiên cuối cùng để giải quyết một vài vấn đề chưa thống nhất trong nghị định. Vì vậy kế hoạch các tỉnh phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động vào năm 2025 là vẫn khả thi.
-
14h15
Thu được hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuế từ các mạng xã hội
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về quy định pháp lý giữa các quốc gia. Tuy nhiên, qua nhiều năm làm việc, Bộ đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ gỡ bỏ thông tin độc hại đã tăng đáng kể từ 10-20% lên 95%. Các nền tảng mạng xã hội cũng đã chủ động hơn trong việc rà soát và gỡ bỏ nội dung vi phạm như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng trẻ em, khủng bố...
Đặc biệt, việc bắt buộc xác thực danh tính người dùng và việc thu thuế từ các nền tảng này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. "Các mạng xã hội đã đóng thuế ở Việt Nam được 2,5 năm. Chúng ta đã thu được hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với các năm trước đây", ông Hùng cho hay.
-
14h10
Việt Nam sẽ tăng lên 15 tuyến cáp quang biển
Trả lờ đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển, 2 tuyến đất liền. Năm 2022, có thời điểm cả 5 tuyến cáp quang biển gặp sự cố, chỉ còn lại 40% dung lượng, ảnh hưởng chất lượng dịch vụ Internet. Nguyên nhân là cả 5 tuyến đều đi một hướng về biển Đông. So với các nước, số lượng tuyến cáp quang của Việt Nam còn ít (Thái Lan có 8 tuyến, Philippines có 17).
Ông Hùng cho biết Bộ sẽ cố gắng tăng lên 15 tuyến cáp quang với dung lượng tăng lên 10 lần, đa dạng hóa hướng tuyến đi lên phía Nam về Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ; đầu tư thêm cho các tuyến cáp quang đất liền. Ngay quý I/2025, Việt Nam sẽ vận hành thêm hai tuyến cáp quang biển.
-
14h00
Nhiều câu hỏi chờ Bộ trưởng trả lời
Chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời 5 câu hỏi được các đại biểu đặt ra cuối phiên sáng.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về pháp lý và công nghệ. "Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian mạng", ông Hùng chất vấn.
Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) phản ánh hiện nay doanh nghiệp viễn thông đang gặp khó khăn trong việc xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng di động và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khi người dân phản đối không cho doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm BTS trong khu dân cư. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, phản đối lắp đặt các trạm trên và giải pháp khắc phục?
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch khắc phục tình trạng sự cố cáp quang biển xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến kết nối Internet quốc tế. "Khi có sự cố, Bộ đã có giải pháp nào nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho việc kết nối quốc tế, giúp nâng cao chất lượng của dịch vụ Internet?", bà chất vấn.
"Có cần thiết bổ sung giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí hay không và nếu cần thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể nào?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt vấn đề.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nói sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí trong khi hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu. "Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này và có những yêu cầu gì đối với đội ngũ người làm báo để nâng cao chất lượng của ngành báo chí trong bối cảnh thời đại số hiện nay", đại biểu đặt câu hỏi.