Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì chiều 24/4, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam có nhiều lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trước hết, người Việt có gene về khoa học công nghệ. Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn với 6.000 kỹ sư làm về lắp ráp, thiết kế, casting. Các nước muốn đào tạo một kỹ sư điện tử làm về công nghiệp bán dẫn phải mất 2 năm, nhưng ở Việt Nam chỉ cần 3-6 tháng hoặc 1 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị. Ảnh: VGP
Theo ông Hùng, việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn cần được thực hiện dựa trên dự báo tầm nhìn dài hạn, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự cam kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bán dẫn trong việc đảm bảo đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp. "Chỉ khi tạo được đầu ra cho nguồn nhân lực thì đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn mới có thể thành công", ông nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo mức thu nhập hấp dẫn để thu hút nhân lực cho ngành bán dẫn. Ông cho rằng lương của nhân lực ngành này phải cao hơn so với mức lương hiện tại của ngành công nghệ thông tin.
"Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải mà do lương thấp, khó thu hút. Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực như bây giờ", ông nói, lấy ví dụ rằng nếu lương kỹ sư công nghệ thông tin 10 triệu đồng thì không có nhân lực, 20 triệu sẽ có ít nhân lực, 30 triệu thì có nguồn nhân lực, 40 triệu thì tốt hơn và 50 triệu thì bắt đầu thừa.
Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực trong ngắn hạn, ông Hùng đề xuất giải pháp đào tạo chuyển tiếp từ các kỹ sư công nghệ thông tin, phần mềm và điện tử. Theo ông, với nguồn lực sẵn có gồm 600.000-700.000 kỹ sư công nghệ tại Việt Nam, chỉ cần đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 12 tháng là có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện Việt Nam có 131.000 sinh viên và 5.500 thạc sĩ ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tiềm năng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp FDI. Bộ đang triển khai nhiều giải pháp như: tổ chức hội thảo, kết nối trường đại học - doanh nghiệp, hợp tác quốc tế, hoàn thiện đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, tích cực tuyển sinh, bồi dưỡng chuyển đổi, cử giảng viên đi học.
Mục tiêu của Bộ là tăng số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành này thông qua 6 yếu tố then chốt: thu hút sinh viên giỏi, cập nhật chương trình đào tạo, nâng cao trình độ giảng viên, hiện đại hóa phòng thí nghiệm, tăng cường hợp tác doanh nghiệp - trường đại học, gắn kết đào tạo - nghiên cứu.
"Bộ cũng đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, chương trình đào tạo tài năng, đầu tư trọng điểm để tạo bước đột phá trong lĩnh vực", ông Sơn nói.
Kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhân lực là một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Để hoàn thành mục tiêu đào tạo 50.000 đến 100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng đề nghị coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực "là đột phá của đột phá". Các cơ sở cũng cần đa dạng hóa loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, chuyển đổi, kỹ năng, đào tạo qua sản xuất kinh doanh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị, chiều 24/4. Ảnh: VGP
Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.
Hồi giữa tháng 3, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn bán dẫn Lam Research (Mỹ) khi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng bán dẫn giai đoạn một với số vốn 1-2 tỷ USD tại Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhân lực là thách thức với Việt Nam trong việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng chip. Mỗi năm Việt Nam cần 10.000 kỹ sư bán dẫn song nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.