Sáng 4/11, trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhìn nhận cơ quan quản lý đang lúng túng, chậm xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng khi thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân, thẩm quyền của Bộ xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra việc đó ra sao và Bộ rút kinh nghiệm gì?
Trả lời đại biểu Hoàng Anh, Bộ trưởng Hùng cho rằng Bộ vẫn coi thể chế là một trong những nội dung quan trọng trong xử lý các vi phạm trên môi trường mạng. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề thể chế đi sau, như xử lý vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, khi chưa có quy định pháp luật nào về quản lý hành vi livestream. Cơ quan chức năng đã dùng những thể chế cũ, xử phạt hành chính 2 lần, sau đó chuyển cơ quan công an xử lý hình sự và đang thực hiện.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo nghị định, quy định rõ chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream. Hoạt động livestream phải công bố địa điểm, thời gian và người dùng livestream để bán hàng có thu nhập thì phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Chưa hài lòng, đại biểu Hoàng Anh giành quyền tranh luận, đề nghị Bộ trưởng trả lời vì sao có việc lúng túng trong xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng. Ông thắc mắc nhiều vụ, việc vi phạm trên không gian mạng được xác minh, xử lý rất nhanh, trong khi đối với vụ việc bà Phương Hằng, Bộ trưởng lại cho rằng "thiếu hành lang pháp lý".
"Phải chăng những người vi phạm ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau", ông Hoàng Anh đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hùng cho rằng khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream, lúc đó là một công nghệ hoàn toàn mới, thể chế hiện chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan chức năng phải dùng những hình thức khác để xử lý, phạt hành chính, sau đó chuyển cơ quan có thẩm quyền.
"Bây giờ chúng ta đưa vào nghị định thì chắc chắn sẽ xử lý gọn gàng, quy định rất rõ như tôi vừa nói", Bộ trưởng Hùng nói, khẳng định không có chuyện chậm chạp xử lý đối với người có tiền như đại biểu đề cập. "Tôi tự tin nói rằng không có việc này", ông nói.
Ngoài nội dung trên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trả lời chất vấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; việc quản lý thuê bao, đầu số của các nhà mạng; kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và nền tảng trực tuyến khác.
Sơn Hà - Viết Tuân