Ngày 2/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi văn bản trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Kim Thúy liên quan đến sách giáo khoa.
Trước đó, thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 1/6, bà Thúy cho rằng "có tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa".
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa được xây dựng thận trọng, xin ý kiến rộng rãi nhân dân, các sở giáo dục và đào tạo. Việc lựa chọn sách theo thông tư "cơ bản không có khó khăn, vướng mắc". Báo cáo của 63 tỉnh thành gửi về đoàn giám sát của Quốc hội, chỉ có 5 địa phương đề xuất liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng đề xuất của các trường; lưu ý với các sách có nhiều cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn trước khi bỏ phiếu kín lựa chọn.
Bộ đã lập 8 đoàn thanh tra lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương. Khi phỏng vấn giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, các đoàn không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong lựa chọn sách giáo khoa. Phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất của trường gửi về Sở để tổng hợp trình hội đồng cấp tỉnh. Địa phương nào không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử lý.
"Bộ đề nghị đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cung cấp thông tin minh chứng trường hợp sai phạm để xử lý theo quy định", công văn nêu.
Không thiếu sách giáo khoa năm học mới
Bà Thúy cho rằng trong thư trả lời chất vấn bà mới đây, Bộ trưởng tái khẳng định ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó thủ tướng chiều 10/5. Nội dung là tính đến chiều 30/4/2023, tỷ lệ in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%.
"Trong khi đó, trên thực tế ngày 5/5/2023 nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Thời gian mở thầu là 9h ngày 21/5/2023. Như vậy, có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà Nhà xuất bản báo cáo với Phó thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu", đại biểu Thúy nhận định.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tại Công văn số 2291 trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy không có nội dung như đại biểu nêu. Ngày 10/5/2023, trong cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của các bộ, ngành, báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị tài liệu báo cáo, phát cho tất cả đại biểu dự họp, trong đó đề cập tới kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.
Cụ thể, để kịp tiến độ in và có sách trước khai giảng năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến kế hoạch in sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp. Dự kiến việc in sách giáo khoa sẽ hoàn tất trước ngày 30/6/2023.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng in 79% trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu in so với dự kiến kế hoạch phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 cho năm học 2023-2024. Đây không phải con số đã in.
"Thông tin mà Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu tại Hội trường ngày 1/6/2023 không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp", Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Về lo lắng của bà Thúy có thể thiếu sách giáo khoa trong năm học tới, Bộ trưởng Sơn cho biết đã chỉ đạo các NXB giải trình, tiếp thu ý kiến xác đáng về những hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa; báo cáo nội dung cần chỉnh sửa; trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua.
Sách sai sót đã được in lại trong quá trình in ấn
Đại biểu Thúy phản ánh, trong văn bản trả lời chất vấn trước đây, Bộ trưởng Sơn khẳng định NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Tuy nhiên, "giáo viên nhiều trường cho biết chưa được thay bằng sách mới".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết khi phát hiện một số nội dung cần chỉnh sửa ở ba trang của bộ sách nêu trên, NXB Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để thay khi sách còn đang trong quá trình lưu kho và vận chuyển, chưa được phát hành đến học sinh, giáo viên. Việc hủy sửa in lại được thực hiện ngay trong lúc in ấn chưa đóng quyển. Vì vậy, không có việc phải đổi sách giáo khoa cho học sinh, giáo viên đã mua sách.
Đại biểu Nguyễn Kim Thúy cho rằng những sai phạm ở NXB Giáo dục Việt Nam phải xử lý hình sự "có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản". Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, trong quá trình biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành các loại sách giáo khoa, ấn bản phẩm giáo dục, một số cá nhân ở NXB Giáo dục Việt Nam đã có sai phạm, bị kỷ luật. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục xử lý theo pháp luật. NXB đang tập trung in ấn, phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới.
Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản.