Từ nhóm các quốc gia Đông Nam Á bị chia rẽ bởi chiến tranh, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng, có uy tín và thành công trên thế giới, đóng vai trò trung tâm trong các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết ở khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong bài viết hôm nay, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN.
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967, phản ánh nguyện vọng chung của nhiều quốc gia trong khu vực về hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển.
Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, mở đường cho xây dựng ngôi nhà chung ASEAN gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á. Năm 1997, lần đầu tiên khối thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 về Cộng đồng "gắn kết trong bản sắc chung".
Cộng đồng ASEAN được hình thành năm 2015 với ba trụ cột về an ninh - chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội đã nâng tiến trình hợp tác và liên kết khu vực lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng.
ASEAN hiện có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quốc tế quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)... Nhiều quan điểm và quy định của khối như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)... được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
"Sau 55 năm xây dựng và phát triển, ASEAN có thể tự hào là một hình mẫu liên kết khu vực thành công", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn viết, cho rằng đây là nền tảng để tiếp tục củng cố Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và thích ứng.
Theo ông, ASEAN luôn trung thành với mục đích, tôn chỉ hoạt động của mình, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các nước trong và ngoài khu vực. Khối có đóng góp quan trọng vào giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng biện pháp hòa bình, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Về hội nhập và liên kết kinh tế, GDP của ASEAN năm 2021 đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015 khi thành lập Cộng đồng ASEAN.
ASEAN còn là trung tâm của không gian kinh tế rộng mở với mạng lưới 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và 7 FTA với các đối tác quan trọng, trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo nên một khu vực thương mại tự do chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết và nghĩa vụ thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho tăng cường đoàn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.
Trong các hoạt động của ASEAN, Việt Nam luôn đề cao đoàn kết và đồng thuận theo tinh thần "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công".
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, Việt Nam đã kiên trì các nguyên tắc của ASEAN, thể hiện trọn vẹn tinh thần "gắn kết và chủ động thích ứng", đưa con tàu ASEAN vượt qua sóng gió, giữ vững đà hợp tác và liên kết khu vực.
Với phương châm chủ động, tích cực, chân thành, tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Vũ Anh