"Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng ngụ ý rằng bất cứ quốc gia nào thực thi lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin đều sẽ là tuyên chiến. Tôi không nghĩ đất nước chúng tôi muốn tuyên chiến với Nga", Bộ trưởng phụ trách an ninh quốc gia trong văn phòng tổng thống Nam Phi Khumbudzo Ntshavheni nói ngày 8/6.
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hồi giữa tháng 3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga trong thời gian xung đột giữa hai nước bùng phát.
Theo đó, ICC yêu cầu 123 nước thành viên, trong đó có Nam Phi, bắt Tổng thống Putin và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ. Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa.
Nam Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tại thành phố Johannesburg. BRICS gồm 5 nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và gần 1/4 GDP thế giới.
Nếu Tổng thống Putin trực tiếp dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, lệnh bắt từ ICC sẽ đặt Nam Phi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về ngoại giao. Nội bộ Nam Phi cũng đang tranh cãi về vấn đề, với các đảng cánh tả Nam Phi thúc giục chính phủ rút khỏi ICC và chào đón ông Putin, trong khi đảng Liên minh Dân chủ (DA) đối lập kêu gọi thực thi lệnh bắt.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin có dự thượng đỉnh BRICS hay không, Điện Kremlin ngày 30/5 nói Nga sẽ tham gia ở "cấp độ phù hợp".
Truyền thông đưa tin Nam Phi đã đề nghị Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh, song Bộ trưởng Ntshavheni khẳng định với phóng viên rằng chính phủ chưa đưa ra quyết định và mọi thay đổi trong kế hoạch đều sẽ được thông báo.
Obed Bapela, một thứ trưởng trong văn phòng tổng thống Nam Phi, hôm 6/6 nói rằng chính phủ đang thúc đẩy sửa đổi luật để cho phép Pretoria được tự quyết có bắt các lãnh đạo bị ICC truy nã hay không. Bapela giải thích nếu dự luật được quốc hội thông qua, Nam Phi có thể "miễn trừ" cho bất cứ ai.
Nam Phi đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Quốc gia này nói họ muốn giữ thái độ trung lập và ủng hộ đối thoại chấm dứt xung đột. Tổng thống Cyril Ramaphosa tháng trước tuyên bố Nam Phi sẽ không bị lôi kéo "vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu" về vấn đề Ukraine.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 7/6 cho biết Moskva cảm thấy biết ơn khi các đối tác châu Phi đã không tham gia vào các chiến dịch bài Nga và chọn vị thế cân bằng trong cuộc khủng hoảng an ninh châu Âu.
Huyền Lê (Theo RT, Reuters, Eyewitness News)