Tại phiên toàn thể hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu sáng 27/9 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết khu vực này đang chịu ba nhóm thách thức lớn.
Từ nội tại, diện tích đất rừng bị suy giảm, trong đó đất rừng ngập mặn trong 50 năm qua đã giảm 80%; việc gia tăng thời vụ và sản xuất nông nghiệp quá sức phục hồi của đất; Quy hoạch, đầu tư phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên kết trong khi ĐBSCL là một thể thống nhất, có gắn kết chặt chẽ với TP HCM và tiểu vùng Mekong.
"Việc khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún cùng với nước biển dâng làm tăng nguy cơ ngập lụt. Phát triển, bố trí các khu dân cư chưa hợp lý cùng với khai thác bùn, cát và thiếu hụt lượng phù sa, bùn cát bổ sung dẫn đến sạt lở; Hệ sinh thái mất cân bằng, môi trường ô nhiễm, đa dạng sinh học suy giảm; Quản lý nhà nước thừa chồng chéo nhưng thiếu phối hợp, thiếu các cơ chế và quy hoạch tiếp cận theo vùng", ông Hà nêu.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cửu Long.
Đối với những thách thức mang tính khu vực, ông Hà nói rằng nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng mạnh, làm giảm dòng chảy mùa kiệt, giảm lượng phù sa; Lũ nhỏ cùng với triều cường nước biển dâng làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội vùng; Suy giảm nguồn lợi thủy sản, tác động tiêu cực đến thủy sinh và đa dạng sinh học của vùng.
Cuối cùng là thách thức mang tính toàn cầu do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán gia tăng trong khi khả năng chống chịu của đồng bằng còn thấp; Rủi ro do thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan (mưa, bão, giông tố, lốc xoáy...) ngày càng khó lường.
Ông Hà cho rằng, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực và theo lưu vực. Coi nước lợ và nước mặn là nguồn tài nguyên, bên cạnh nước ngọt.
"Chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa", ông Hà nói và cho rằng quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện ĐBSCL có trên 2.500 quy hoạch được lập, quy hoạch cấp vùng cũng đang ở những góc nhìn khác nhau.
"Tuy nhiên, việc lập riêng rẽ nhiều quy hoạch đang thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn, chất lượng quy hoạch kém đang gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội, gây lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn lực của đất nước", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP
Theo ông Dũng, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại vùng. "Cân nhắc diện tích trồng lúa; hạn chế khai thác nước ngầm một cách tùy tiện; nâng cao nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; sắp xếp lại các nhà máy nhiệt điện", ông Dũng nêu các nguyên tắc.
Cũng theo ông Dũng, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng này lên 20% GDP để đảm bảo nguồn lực phát triển. Đồng thời, đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trong giai đoạn tới, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng phó biến đổi khí hậu cả về công trình, phi công trình; ưu tiên đầu tư các dự án chống biến đổi khí hậu...
"Cần phải xây dựng cơ chế thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách môi trường đầu tư để thu hút đầu tư vào khu vực, kết hợp huy động nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực tại chỗ", ông Dũng đề nghị.
Về phát triển nông nghiệp bền vững, thủy lợi, phòng chống thiên tai sạt lở cho miền Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết việc ứng phó với những biến đổi là không thể tránh khỏi, cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là "chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với các biến đổi".
Ông Cường cho hay, các đại biểu đề nghị tái cơ cấu nông nghiệp phải dựa vào tài nguyên đa dạng sinh học, cơ cấu lại phát huy tối đa lợi thế các sản phẩm chủ lực trong khu vực... Về thủy sản, phải giảm thiếu tối đa việc khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; quản trị chặt chẽ quy mô nuôi trồng không để ô nhiễm môi trường và phơi nhiễm...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ Nông nghiệp và các đơn vị liên quan có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh. Trong 10 năm tới phải có bộ giống hiện đại đáp ứng cho ba ngành hàng chủ lực này.
Đồng thời, sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân; có văn bản quy định giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và xử lý khẩn cấp 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, với tổng vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Hữu Công - Huy Phong