Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chiều 15/8, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Chủ tịch HĐND TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) nói thẻ vàng thủy sản không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của Việt Nam.
"Đã gần 6 năm nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu (EC) vào tháng 10 không?", bà Thanh chất vấn.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Phó đoàn Quảng Ngãi) nói hiện nay có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển nhưng yêu cầu phải đúng quy hoạch. Công việc này lại còn nhiều vướng mắc, nên bà Sương đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trữ lượng thủy sản ở vùng biển Việt Nam là 3,95 triệu tấn, nhưng đã bị khai thác "tận diệt" đến 3,8 triệu tấn. Do đó, gỡ thẻ vàng không phải mục tiêu duy nhất, mà quan trọng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương của Việt Nam.
"Thẻ vàng về thủy sản nếu gỡ được mà tính bền vững không có thì Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp dụng thẻ vàng khác vì cường lực khai thác đang quá lớn so với trữ lượng", ông Hoan nói.
Bộ trưởng kể ông đã đối thoại với Cao ủy EU (Liên minh châu Âu) và được chất vấn hai nội dung. Một là nếu không áp đặt thẻ vàng thì Việt Nam còn dùng cường lực để khai thác kiệt quệ tài nguyên, khi đó người thiệt thòi là Việt Nam hay EU? Thứ hai, có công bằng hay không khi người vi phạm và người không vi phạm đều được hưởng lợi ích như nhau?
Theo ông Hoan, Việt Nam chưa tạo dựng được niềm tin chủ yếu do các địa phương chưa có biện pháp kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm (gần 60% trường hợp vi phạm vẫn chưa xử lý). "Chúng ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp. Nhưng Việt Nam không biện minh cái nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động", ông nói.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ ngư dân, giải quyết được câu chuyện "càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt". Ông sẽ báo cáo Thủ tướng danh sách các địa phương không cương quyết xử lý vi phạm, trong đó khoanh vùng xã, thôn thường xuyên có đội tàu vi phạm vì chỉ cần một tàu vi phạm, EC cũng không gỡ thẻ vàng cho Việt Nam.
Giải pháp lâu dài mà Bộ hướng đến là giảm đội tàu cá (hiện giảm từ 120.000 xuống hơn 90.000 tàu); ưu tiên nuôi trồng để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Việc nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo quy hoạch không gian biển, đảm bảo an ninh, quốc phòng, biển đảo, du lịch.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đối thoại với người dân trong diện chuyển đổi để có phương án cụ thể. Ngư dân có thể lên bờ nhưng vẫn duy trì nuôi trồng thủy sản trên biển hoặc trên cạn. "Bà con có thể chuyển hẳn sang nghề khác như làm du lịch biển hoặc làm việc trong các khu công nghiệp", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông nói.
Năm 2008, EC ban hành quy định số 1005 về thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, có hiệu lực từ năm 2010. Tháng 10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do "Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU".
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan có 26 đại biểu chất vấn, 3 đại biểu tranh luận. Ngoài các câu hỏi về khai thác, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, các đại biểu cũng chất vấn về chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông sản, tránh được mùa mất giá; cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người nông dân; nâng cao chất lượng, sản lượng nông, lâm thủy sản xuất khẩu...