Nêu câu hỏi tại buổi đối thoại với Thủ tướng chiều 30/12, ông Y Pốt Niê (Đăk Lăk) dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Chính phủ cũng chuyển tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang đa giá trị. "Thời gian tới, Chính phủ có chính sách gì thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh chuyển đổi này", ông Y Pốt Niê hỏi.
Là nông dân trồng cà phê, ông Y Pốt Niê lo lắng khi từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc phá rừng hoặc gây suy thoái rừng. Giải pháp nào về quy hoạch vùng trồng cà phê để phát triển bền vững, ông hỏi.
Trước khi trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan muốn trao đổi thêm. "Trước khi hỏi Chính phủ đã làm gì, nông dân cần tự hỏi chính mình giúp gì được cho nhau", ông nói và giải thích, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được bởi quy mô rất nhỏ. Muốn làm kinh tế phải có sản lượng lớn, nông dân cần tập hợp cùng làm với nhau.
"Nếu nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó", người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.
Bộ trưởng Hoan phân tích, bình quân diện tích đất nông nghiệp Việt Nam 0,27 ha mỗi người, trong khi Thái Lan 0,56 ha, "tức là sản xuất nông nghiệp chúng ta chỉ bằng phân nửa của họ". Còn các nước châu Âu bình quân mỗi hộ có 7-10 ha đất sản xuất.
Quy mô càng nhỏ, chi phí càng lớn. Những thành tựu nông nghiệp Việt Nam đạt được thời gian qua cho thấy công sức, sự chăm chỉ của người nông dân. "Nhưng chúng ta không thể nào cạnh tranh được nếu không liên kết những mảng đất, mảnh vườn nhỏ thành đại điền quy mô lớn".
Tỉnh Thái Bình đang áp dụng mô hình này, nhằm tập trung những hộ tích tụ từ 2 ha trở lên. Đến nay, toàn tỉnh có 1.700 hộ thuộc diện này, với tổng diện tích gần 5.700 ha.
Theo Bộ trưởng Hoan, nếu nông dân liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì doanh nghiệp sẵn sàng tạo ra vùng nguyên liệu và đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước làm cầu nối. Đây cũng là giải pháp thích ứng quy định mới của EU mà ông Y Pốt Niê đề cập. "Cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu, không chỉ với cà phê mà nhiều nông sản khác", ông Hoan cảnh báo.
Tham gia trả lời, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định chưa bao giờ nông nghiệp có sứ mệnh quan trọng như hiện nay. "Mục tiêu cuối cùng là làm sao nông dân luôn nở nụ cười trên môi, tức là thu nhập ổn định, cao trên mảnh đất của họ", ông Dũng bày tỏ.
Ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuyển dịch mạnh, tối ưu giá trị thay vì sản lượng. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi dựa trên sản xuất công nghệ cao. "Chúng ta không cần sản xuất quá nhiều để làm hỏng môi trường, hủy hoại đất đai, tốn nhiều sức lao động, vốn liếng nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp, nông dân vẫn bấp bênh", Bộ trưởng Dũng nói và cho rằng, quan trọng nhất là nông sản bán ở đâu, nông dân thu nhập cao.
Bốn vấn đề quan trọng nhất với nông nghiệp hiện nay là giống, phân bón và thuốc trừ sâu, nuôi trồng, thu mua và chế biến rồi bán ra thị trường. Nông dân đang làm đúng khâu thứ ba (nuôi trồng), nhưng ba khâu còn lại thì "chưa làm được". Vậy nên khi có thiên tai, dịch bệnh thì họ mất hết.
Khẳng định giống rất quan trọng, ông Dũng cho hay, quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội đặt mục tiêu mỗi khu vực nông sản có một trung tâm giống. Việt Nam cần phấn đấu phát triển giống giá rẻ, thay vì nhập khẩu. Phát triển giống mới hiệu quả cao cũng là ưu tiên hiện nay.
Các trung tâm chế biến cần hình thành, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị nông sản.
Viết Tuân - Phạm Chiểu