- Xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định giảm số lượng tàu cá, hướng đến khai thác thủy sản trên biển bền vững. Tại sao Bộ lại có chủ trương này, thưa ông?
- Thời gian qua, ngành thủy sản Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9 triệu tấn, trong đó khai thác 3,86 triệu tấn; nuôi trồng 5,19 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD. Những kết quả này góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, giải quyết việc làm cho 800.000 lao động trực tiếp trên biển và 4 triệu lao động dịch vụ hậu cần kèm theo.
Tuy nhiên, từ lâu chúng tôi đã nhìn thấy thực trạng trữ lượng cá trong vùng biển Việt Nam suy giảm do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, nhiều chất ô nhiễm đổ ra đại dương, con người khai thác tận diệt. Trong khi đó, nhiều ngư dân vẫn áp dụng cách đánh bắt "tận diệt" như nổ mìn hoặc vứt lưới đánh cá trên biển (lưới ma) làm bị thương và chết nhiều sinh vật biển.
Nếu chúng ta vẫn khai thác thủy sản tràn lan sẽ không tránh được quy luật cạn kiệt nguồn lợi trên biển. Khi nguồn càng cạn kiệt sẽ càng kích thích tâm lý ngư dân đi khai thác nhiều hơn, bởi họ sợ rằng "biển sắp hết cá". Tốc độ khai thác vì vậy sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ sinh sản và tái sinh của các loại hải sản, nên cá lớn, cá nhỏ đều bị đánh bắt.
Năm 2017, Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) năm 2017. Điều này đồng nghĩa thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, tức doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh hơn. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cấu trúc lại ngành hàng này.
Chúng ta vẫn cần các mặt hàng thủy sản để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Vì vậy, chúng tôi chủ trương sẽ giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam còn dư địa rất lớn nhưng lâu nay bị bỏ quên mà chỉ tập trung vào đánh bắt trong khi hai mệnh đề này gắn liền với nhau.
- Lộ trình giảm số lượng tàu cá sẽ thực hiện như thế nào?
- Toàn quốc hiện có hơn 90.000 tàu cá - số lượng lớn ít nước có. Điều này cho thấy nền ngư nghiệp của ta manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, cần cấu trúc lại để phát triển bền vững hơn.
Tuy nhiên, giảm số lượng tàu cá cần có lộ trình. Trước tiên, chúng tôi sẽ đưa ra những khuyến cáo, sau đó quy định nghiêm cấm đánh bắt tại những vùng biển nhất định, đơn cử như vùng ven bờ vì đây là nơi cá sinh sản, phát triển. Bảo vệ nguồn hải sản ở các vùng biển ven bờ đang là yêu cầu cấp thiết.
Tôi từng đến nhiều địa phương ven biển, chính bà con ngư dân chia sẻ nếu cứ khai thác kiểu này thì thế hệ con cháu không còn gì để ăn. Nghĩa là ngư dân cảm nhận được hậu quả của khai thác lạc hậu, tận diệt hiện nay, nhưng không biết làm nghề gì khác ngoài nghề đi biển mà ông cha để lại. Chúng ta cần tạo ra không gian kinh tế khác để ngư dân chuyển đổi nghề.
Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ còn khoảng 83.000 tàu cá, dù số lượng này vẫn nhiều.
- Ngư dân sẽ được hỗ trợ chuyển đổi sinh kế ra sao khi không còn làm nghề đi biển?
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nữa. Chúng tôi sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề cho họ trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã.
Bà con cũng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Địa phương sẽ tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp. Các doanh nghiệp sẽ được kêu gọi đầu tư lớn vào những ngành nghề chuyển đổi để bà con yên tâm tham gia.
Mỗi ngư dân khi đi biển còn có gia đình, sinh kế phía sau chứ không chỉ bản thân họ. Vì vậy, chủ trương giảm tàu cá sẽ được đánh giá, điều tra xã hội học kỹ lưỡng, tổng thể về những tác động để có chính sách phù hợp. Cần làm sao để bà con thấy không khai thác hải sản như bao năm qua nữa thì vẫn có nghề để đảm bảo sinh kế. Nghề nghiệp mới này bền vững hơn tình cảnh ngư dân lang thang trên biển với tàu nhỏ, công nghệ lạc hậu, khai thác nguồn hải sản theo cách tận diệt nhưng chất lượng bảo quản và chế biến kém, gặp nhiều rủi ro về thiên tai.
- Sau khi giảm số lượng, Việt Nam sẽ cấu trúc lại các đội tàu khai thác hải sản trên biển thế nào?
- Chúng ta giảm số lượng tàu cá nhưng sẽ chú trọng chất lượng đội ngũ ngư dân. Đông chưa chắc mạnh mà cần tinh mới mạnh. Chúng tôi chủ trương sẽ hướng đến hình thành những nghiệp đoàn nghề cá trên biển, đủ sức chống chịu với thiên nhiên khi đi biển. Nhiều chiếc bè ghép lại bao giờ cũng vững chắc hơn một chiếc bè mỏng manh. Khi đó, nếu có vấn đề đột biến phát sinh trên biển như tranh chấp ngư trường thì bà con sẽ có kiến thức để thích ứng.
Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bắt đầu đàm phán với một số nước xung quanh, hướng tới mục tiêu đội tàu cá Việt Nam và nước bạn sẽ cùng hợp tác khai thác. Điều này vì lợi ích của các quốc gia có chung không gian biển, tạo ra lợi ích gắn bó với nhau, từ đó xung đột trên biển sẽ giảm bớt.
Chúng tôi cũng đang tính toán kêu gọi hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, trang bị hiện đại để đánh bắt xa bờ. Hiện nay, công nghệ đánh bắt của đa số ngư dân còn thô sơ, lạc hậu, như dùng đá ướp cá trên tàu, sau đó di chuyển về đất liền sơ chế nên sản lượng hao hụt nhiều. Trong khi đó, nhiều nước đã đóng các tàu đánh cá lớn, có hầm trữ đông và công nghệ sơ chế ngay trên tàu.
Việt Nam cần xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản mạnh, với công nghệ khai thác và chế biến hiện đại.
Viết Tuân - Phạm Chiểu