"Tôi được anh em gửi cho video kể chuyện học sinh một trường vùng cao ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nghỉ học khi xã lên nông thôn mới. Đây là thực tế khiến người làm chính sách phải đắn đo", ông Hoan nói khi giải trình về kết quả thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, chiều 30/10.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết với chính sách hiện nay, những xã sau khi lên nông thôn mới sẽ không còn được hỗ trợ nguồn lực phát triển. Nguyên nhân là cấu trúc của chương trình mục tiêu quốc gia còn lỏng lẻo, việc thực hiện chương trình chịu áp lực kép. Một bên là chính quyền mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, một bên là nhiều xã không muốn đạt chuẩn vì sẽ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ.
"Chính sách trong vấn đề này chưa ổn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
![Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Media Quốc hội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/10/30/202304101456141386-z4252824279-7112-2035-1698663714.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J2jtmen6TxDuimvAm__yrg)
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Phó đoàn Lai Châu) cũng băn khoăn câu chuyện các xã đạt chuẩn nông thôn mới bị cắt giảm chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Trong khi đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ. Việc giảm nghèo đa chiều cũng chưa bền vững khi tỷ lệ tái nghèo cao, một số địa phương, nhất là xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được công nhận nông thôn mới vẫn còn nợ tiêu chí.
"Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới qua chương trình mục tiêu quốc gia, tránh chạy theo số lượng; đồng thời không cắt giảm chính sách an sinh xã hội với học sinh, giáo viên và người nghèo khi xã đạt nông thôn mới", ông nói.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Phó chánh Văn phòng Đoàn Nghệ An) cũng cho rằng xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn không còn được hưởng chế độ an sinh xã hội khi đạt chuẩn nông thôn mới là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm, xử lý sớm.
Bất cập này làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của những người đang sinh sống, học tập, công tác tại xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, những hộ dân sống tại đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số là hộ nghèo, cận nghèo. "Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành bổ sung chính sách để giải quyết bất cập khi thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng tại địa bàn xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới", ông Minh nói.
![Đại biểu Trần Nhật Minh (Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/10/30/202306191116482667-z4444395031-9490-5411-1698664291.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Gy6srxOdqaPcVbx8OYFZCA)
Đại biểu Trần Nhật Minh (Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Quyết định 861/2021 của Thủ tướng, cả nước có hơn 3.400 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, gần 1.700 xã khu vực I (bước đầu phát triển), 210 xã khu vực II (còn khó khăn) và hơn 1.500 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn). Các xã khu vực II, III nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ.
Cán bộ, công chức, viên chức công tác tại khu vực đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, họ được thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục. Học sinh tại khu vực này cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.