Ngày 14/11, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về tình trạng học viên trung tâm cai nghiên trốn trại thời gian qua, Bộ trưởng Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung nói: "Phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp".
Theo người đứng đầu Bộ Lao động, tất cả các vụ phá cơ sở, trốn trại đều có nguyên nhân từ những người mang tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá, loạn thần, hướng thần.
“Những người này luôn nghĩ làm sao ra được, làm sao có ma tuý để sử dụng. Do đó lúc nào cũng trong trạng thái muốn thoát ra, một là phá, hai là tìm cách lôi kéo. Thế nên những người này phải có một khu để cai riêng”, Bộ trưởng Dung nói.
Một vấn đề khác, theo lãnh đạo Bộ Lao động, 132 cơ sở cai nghiện đang quá tải. Các cơ sở do địa phương quản lý, chỉ một số nơi như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng có điều kiện tương đối tốt, số còn lại không đáp ứng yêu cầu, có nơi quá tải 30-40%.Vì vậy trong thời gian tới, phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi cơ sở cai nghiện như công trình cấp bách, được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng.
Cùng với việc phân loại, đưa đối tượng có tiền án, tiền sự vào khu cai nghiện riêng, phải xác định những người bắt buộc cai nghiện thông qua toà án, những người khác khẩn trương đưa về gia đình.
Nêu lại phản ánh tình trạng ở trung tâm là “người cai nghiện chạy trên mái nhà 4-5 tiếng; ngồi cột điện 5-6 tiếng không ngã”, ông Đào Ngọc Dung cho biết: “Nhiều ý kiến băn khoăn phải chăng trong cơ sở cai nghiện còn tình trạng thẩm lậu ma tuý. Đây là cái chúng ta phải giải quyết đến nơi đến chốn”.
Cũng theo Bộ trưởng Lao động, mức lương của những người làm công tác cai nghiện chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi môi trường vất vả và nhiều nguy cơ rình rập, vì thế phải rất chú trọng chăm lo đội ngũ này.
Thời gian qua, hàng trăm học viên cai nghiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai phá trại, tấn công cảnh sát để trốn ra ngoài. Riêng Công an Đồng Nai đã bắt 23 nghi can được cho cầm đầu kích động về hành vi Gây rối trật tự công cộng.
Võ Hải