-
15h00
Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời đầy đủ, thẳng thắn
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại số lượng kỷ lục đại biểu đăng ký chất vấn là 120 đại biểu; trong đó 32 đại biểu đã tham gia chất vấn (20 đại biểu hỏi, 12 đại biểu tranh luận).
Ông Huệ đánh giá, đại biểu hỏi ngắn gọn, trọng tâm. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị tư lệnh ngành khoa học công nghệ từ cuối nhiệm kỳ khóa 14, nhưng đây là lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng là nhà khoa học, từng lãnh đạo Đại học quốc gia TP HCM, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học và đào tạo của nước ta, vì vậy nắm vững thực trạng, lĩnh vực quản lý.
"Bộ trưởng càng trả lời càng hay, đầy đủ, khá thẳng thắn câu hỏi của đại biểu, có định hướng xử lý các vấn đề trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá khoa học công nghệ thời gian qua đạt được nhiều thành tựu nổi bật song còn nhiều vướng mắc cần gỡ. Trong đó, tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, đầu tư dàn trải chưa tạo hiệu quả cao. Ông đề nghị qua phiên chất vấn, Chính phủ, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, bộ ngành liên quan tiếp thu ý kiến góp ý đại biểu để khắc phục hạn chế trong lĩnh vực quản lý.
Ông Huệ lưu ý các cơ quan tập trung vào vấn đề chính: thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập; chú trọng xác lập quyền sở hữu công nghiệp, công nhận, đăng ký lưu hành sản phẩm mới; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ và sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.
-
14h55
Chuyển từ kinh tế tài nguyên sang kinh tế tri thức
Tham gia giải trình thêm ý kiến chất vấn của đại biểu, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết lĩnh vực khoa học công nghệ có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ. Thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ có nhiều đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Việt Nam cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.
Những tồn tại trong lĩnh vực này mang tính liên ngành, để giải quyết cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý. Trong đó, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể đang ở mức thấp nhất.
"Do vậy, chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức", Phó thủ tướng nói.
Về vấn đề quản lý Quỹ trong lĩnh vực này, Phó thủ tướng cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ.
Theo ông, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực này, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn.
-
14h50
Sẽ tạo cơ chế thông thoáng cho nhà khoa học
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023, chi cho khoa học công nghệ chiếm 0,82% tổng chi ngân sách, trong đó chi đầu tư 0,52%, chi thường xuyên 0,58%.
Chính phủ đã có nghị định 95 năm 2014, sau đó Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư liên tịch về cơ chế khoán nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào hiệu quả và kết quả để chi ngân sách. Chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức, kinh phí được giao khoán. Việc kiểm soát chi chuyển từ chứng từ hồ sơ sang bảng công việc. "Nghĩa là chúng ta rất mở trong khoán chi cho khoa học công nghệ", ông Phớc nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng quy trình tuyển chọn và giao đề tài "hết sức phức tạp và kéo dài, nên kinh phí giao muộn". Thực tế, việc giao khoán không theo hướng này mà vẫn theo chứng từ hồ sơ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, khiến các nhà khoa học khi thanh toán thấy phiền phức.
Sắp tới, Bộ Tài chính và Khoa học Công nghệ sẽ sửa nghị định 95 và thông tư 27 để phù hợp hơn. Trên cơ sở lấy ý kiến nhà khoa học, quản lý, nhân dân, các quy định mới sẽ thông thoáng, căn cứ vào sản phẩm đầu ra, sản phẩm công việc để thực hiện.
Ông Phớc cũng cho rằng cơ chế quản lý khoa học công nghệ cần thiết kế lại theo hướng hoàn thiện hơn theo sản phẩm đầu ra và hiệu quả. Nhà nước nên đặt hàng và thanh toán theo đơn đặt hàng, trong đó có thể đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Căn cứ dự toán đưa ra đấu thầu để chọn tổ chức nghiên cứu, đảm bảo sản phẩm đầu ra, khi thanh toán sẽ thuận lợi hơn, tránh các vấn đề phát sinh.
Với các đơn vị nghiên cứu khoa học ngoài Nhà nước, để phát huy sáng tạo, phát minh, ông Phớc cho rằng cần có cơ chế thưởng, hỗ trợ, mua lại, chuyển giao và ứng dụng.
"Vấn đề nữa là nên bỏ điều kiện công nhận là chuyên viên chính, kiểm toán viên cao cấp... phải có đề tài nghiên cứu khoa học vì điều này khiến cán bộ công chức sao chép của nhau, dẫn đến đề tài tràn lan mà tính ứng dụng không cao", ông Phớc nói.
Ông đồng tình với nhiều đại biểu cần có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Nhưng muốn thu hút nhân tài cần có môi trường để họ cống hiến và cơ chế, chính sách phù hợp.
Ông dẫn chứng, khi đất nước còn khó khăn, nhiều nhà khoa học xuất hiện như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của... "Bây giờ khi đất nước đã phát triển hơn trước, cần thu hút nguồn lực xã hội để có các sáng kiến và sáng tạo trong nghiên cứu khoa học", ông nói.
-
14h35
Nguồn lực cho khoa học công nghệ chưa đạt yêu cầu
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói nhiệm vụ chi cho đầu tư, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học đã được bố trí đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm, theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, nguồn lực giảm dần, từ 1,1% GDP năm 2017 xuống 0,82% năm 2023.
Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị yêu cầu phải đảm bảo từ 2% chi ngân sách cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và tăng dần theo nhu cầu. "Đây là điều báo động", ông Dũng nói.
Về trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Dũng cho hay chủ trương của Nhà nước xác định mục tiêu đến 2030 và 2045 là rất cao nên muốn làm được phải có đột phá, động lực. Vì vậy, Bộ Kế hoạch Đầu tư xác định vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng.
Ông cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng, quyết định thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên. Chức năng của trung tâm là xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ, cơ chế chính sách vượt trội; đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp, là cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với TP HCM, TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.
Bộ cũng đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, hình thành 8 văn phòng ở các nước phát triển, trong đó Mỹ có hai văn phòng, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực. "Đây có thể coi là nguồn lực quý giá, hay có thể nói là vô giá để kết nối lực lượng nghiên cứu trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn lực này để phát triển đất nước", ông Dũng nói.
-
14h25
Vận hành Cổng truy xuất nguồn gốc trong năm nay
Đại biểu Lã Thanh Tân (Phó đoàn Hải Phòng) nêu vấn đề triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc... Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?
Bộ trưởng Đạt cho hay Đề án truy xuất nguồn gốc được ban hành năm 2019, Bộ Khoa học Công nghệ cùng các bộ ngành triển khai, xây dựng 20 tiêu chí của Việt Nam về truy xuất nguồn gốc cũng như đưa vào vận hành Cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc.
Các bộ Nông nghiệp, Công Thương, Y tế đã tham gia phổ biến thông tin, hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành và xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý.
Dù vậy, việc triển khai Quyết định 100 liên quan đề án này còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu như đưa Cổng truy xuất nguồn gốc vào hoạt động trọn vẹn vì còn vướng một số thủ tục. Trong vài tháng tới, Bộ cố gắng vận hành Cổng, cùng lúc xây dựng thông tin về quản lý truy xuất nguồn gốc; cùng Bộ tài chính ban hành thông tư cơ chế tài chính quản lý đề án này.
-
14h15
Chưa có cơ chế xây dựng đô thị khoa học
Về xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định) nói đến nay vẫn chưa có cơ chế hình thành khu đô thị khoa học. Dù nghị quyết Trung ương từ năm 2008 đã nêu chủ trương nhà nước đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, đại học trọng điểm, trung tâm văn hóa để thúc đẩy sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước, nhưng sau gần 15 năm, cơ chế xây dựng khu đô thị khoa học chưa được hình thành dù một số tỉnh đã có mô hình này.
"Phải hoàn thành mục tiêu này thì mới có cơ sở áp dụng vào xây dựng các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm khu vực và quốc gia", bà Thủy nói.
-
14h10
Gỡ vướng cho các Quỹ phát triển khoa học công nghệ
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước) cho rằng việc hình thành các các Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia cũng như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia có mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, hiện các quỹ này hoàn toàn phát triển dựa vào ngân sách nhà nước, chưa trở thành kênh thu hút đầu tư xã hội với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Việc trích lập quỹ trong doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, huy động vốn ngoài ngân sách chưa hiệu quả.
Việc này do hệ thống quy định pháp luật thiếu đồng bộ về tài chính đầu tư với khoa học công nghệ. Nhiều chính sách cồng kềnh, liên tục sửa đổi khiến địa phương, doanh nghiệp, các cơ quan khó thực thi. Bà đề nghị Bộ trưởng đánh giá lại vấn đề này để thời gian tới có giải pháp thực thi tốt hơn.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cảm ơn nữ đại biểu nêu nhiều bất cập trong thanh quyết toán, chi tiêu của các quỹ liên quan khoa học công nghệ. Bộ xin tiếp thu và sẽ cùng Bộ Tài chính nghiên cứu tháo gỡ.
-
14h05
Cần sửa quy định để nắm chính xác số liệu về đầu tư cho khoa học
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học) đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá hiệu quả và nêu rõ các số liệu liên quan đến chi đầu tư phát triển và tổng chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ năm 2017 cho đến nay. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vì sao tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp trong lĩnh vực này còn dàn trải, hoặc phân bổ nhiều lần?
Theo Bộ trưởng Đạt, số liệu chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ được thực hiện theo Luật Đầu tư công, nên không thể xác định được chính xác số liệu các địa phương. Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đã có báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường về vấn đề này.
"Bộ thấy rằng cần sửa đổi quy định để nắm chính xác các con số này, phục vụ hoạch định đầu tư, phát triển cho lĩnh vực khoa học công nghệ", Bộ trưởng nói.
-
14h00
Cần ghi nhận tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói thêm về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ông mong đại biểu và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro này. "Vì tính mới, dấn thân của nghiên cứu nên quá trình có thể thành công hoặc không. Nếu nghiên cứu khoa học không thành công cũng là kinh nghiệm cho cộng đồng, nhà khoa học theo hướng khác", ông nói.
Sáng nay, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM) cho rằng một trong những yếu tố thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là có sự tham gia của nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của giới khoa học với chiến lược trên thì họ mong Chính phủ có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý, nghiên cứu khoa học. "Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này", bà chất vấn.
Sau đó, người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ cho biết, hôm 17/5, Thủ tướng về dự hội nghị 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về với nghành khoa học và công nghệ. Thủ tướng khẳng định phải chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học. "Tôi rất tâm đắc với câu nói của Thủ tướng, khoa học là con đường ngắn nhất đi tới thịnh vượng", ông Đạt nói, cho biết Bộ đang cố gắng động viên các nhà khoa học tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.