Ông Võ Hồng Phúc. |
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết là người đầu tiên xoáy vào vấn đề tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước. "Nhiều tập đoàn, công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực không chuyên ngành, đó có phải dàn trải? Nếu có thì dàn trải ở địa bàn, lĩnh vực nào và trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu?".
Bộ trưởng Phúc thừa nhận có tình trạng trên. Một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước mô hình chưa chuẩn nên có việc đầu tư sang lĩnh vực không phải trọng tâm, ảnh hưởng cân đối vĩ mô. "Tuy nhiên, Hội đồng quản trị có quyền đầu tư, Thủ tướng và bộ trưởng không can thiệp. Bộ đang nghiên cứu, dự kiến tháng 7 sẽ có quy chế hoạt động tập đoàn", ông Phúc trả lời.
Ông Phúc nói thêm, việc thành lập các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề là đúng theo nghị quyết Đại hội 10, nhưng còn một vế bị quên mất là phải đa sở hữu. "Tập đoàn hình thành để cạnh tranh quốc tế, không có người chủ duy nhất của tập đoàn. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chỉ có một ông chủ, vì không có người kiểm soát. Đi theo xu thế này là đổ vỡ".
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục: "Mô hình tập đoàn chưa rõ ràng, Thủ tướng không can thiệp, nhưng cũng phải có người kiểm soát vì tập đoàn sử dụng vốn nhà nước. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào trong việc này?".
"Bộ Kế hoạch Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế hoạt động tập đoàn nhà nước. Còn Bộ tài chính quản lý vốn của nhà nước, trong đó vốn của tập đoàn", ông Phúc đẩy vấn đề sang Bộ Tài chính.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: "Trách nhiệm bộ trưởng thế nào khi các tập đoàn nhà nước đầu tư dàn trải?". Ảnh: TTXVN |
Dẫn số liệu của Ban đổi mới doanh nghiệp có 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư 15.000 tỷ đồng vào tài chính, ngân hàng, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói: "Lĩnh vực này rủi ro rất lớn, đề nghị bộ trưởng cho biết chính kiến". Đại biểu Nguyễn Thành Tâm tiếp lời: "Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tổ chức mô hình tập đoàn như thế nào?".
Bộ trưởng Phúc thừa nhận cơ cấu đầu tư các tập đoàn kinh tế nhà nước đang có vấn đề, chưa trú trọng đến sản xuất nguyên liệu. "Trách nhiệm của Bộ là xây dựng cơ chế hoạt động của tập đoàn chậm, nhưng đây là vấn đề mới, thời gian kể từ khi có nghị quyết về việc thành lập tập đoàn đến nay quá gấp", ông Phúc thanh minh.
Từ vấn đề của các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, đại biểu Lê Quốc Dung nhìn sang việc việc phát triển ồ ạt các sân golf: "Đây là góc khuất, nhưng tình hình bức xúc. 141 sân golf cả nước đã lấy mất 49.000 ha đất, trong đó một nửa là đất lúa. Bộ có trách nhiệm gì trong việc quản lý cấp phép đầu tư và giải pháp nào để khắc phục?".
Bộ trưởng Phúc thừa nhận có tình trạng lấy đất để làm sân golf. Nhưng Bộ chỉ cấp phép 77 sân, trong đó 13 của nước ngoài, còn lại 35 là đầu tư trong nước. Gần đây, địa phương cho chủ trương đầu tư 64 sân golf nữa.
"Đại biểu hỏi quản lý thế nào, sân golf không liệt vào kinh doanh doanh đặc biệt, mà giao cho tỉnh đầu tư, phê duyệt, nhưng phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch này rất chặt chẽ, cứ 5 năm Quốc hội lại bàn, Chính phủ bỏ phiếu kín về vấn đề này. Cách quản lý là vậy, sắp tới chúng tôi sẽ kiểm soát".
Lạm phát và trách nhiệm dự báo
Dù đã được trả lời bằng văn bản, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, nên đại biểu Nguyễn Hữu Nhị đề nghị Bộ trưởng Phúc giải trình cơ sở nào để giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7% và dự báo lạm phát năm nay. Đại biểu Phạm Thị Loan đặt vấn đề: "Nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng 7% Chính phủ chịu trách nhiệm thế nào?".
Bộ trưởng Phúc trả lời trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, dự báo quý 2 nông nghiệp tăng trưởng xấp xỉ 2007, khoảng 3%, công nghiệp và dịch vụ giảm sút, chỉ đạt 8%. "Từ đó, Bộ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt từ 6,5 đến 7,5% và đề nghị Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống khoảng 7%, trong điều kiện thuận lợi thì có thể cao hơn", ông Phúc nói.
Riêng về chỉ số lạm phát, Bộ trưởng Phúc nhận định: "Khả năng từ nay đến cuối năm, tùy thuộc vào quyết tâm thực hiện 8 nhóm giải pháp kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, con số lạm phát thấp nhất khoảng 22%".
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền đặt vấn đề: "Trong nguyên nhân lạm phát có công tác nghiên cứu thị trường chưa được chính xác. Với tư cách quản lý kinh tế vĩ mô, trách nhiệm của bộ và sự phối hợp giữa các bộ như thế nào?".
Bộ trưởng thừa nhận phần lớn dự báo của Việt Nam phụ thuộc vào dự báo của các tổ chức quốc tế, cán bộ của ta không đủ năng lực. Từ tháng 8/2007, trong cuộc họp của Chính phủ, ông đã cảnh báo về tình hình tài chính, tiền tệ có khả năng diễn biến xấu.
Đọc nguyên văn đoạn dự báo được viết ra từ năm 2007, trong đó chỉ rõ sự buông lỏng trong quản lý tài chính tiền tệ dẫn đến tổng dư nợ tín dụng quá cao, cho vay chứng khoán quá lớn, ông Phúc nói: "Ngày 23/8, chúng tôi đã báo cáo, nhưng khi thảo luận Chính phủ thì không nhận được sự thống nhất. Lúc đó chỉ số giá 7 tháng đầu năm 2007 đã là 6,19%. Thủ tướng khi đó kết luận cao rồi, phải xem lại và đã chỉ đạo và tháng 8-9/2007 chỉ số có giảm".
Nhưng 3 tháng còn lại của năm 2007, theo ông Phúc, các bộ ngành đã buông lỏng, phối hợp không hiệu quả, hệ quả là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. "Năm nay từ tháng 2, bằng nhiều nguồn số liệu khác nhau, tôi đã dự tính tổng phương tiện thanh toán tăng 46%, dư nợ cho vay của nền kinh tế hơn 50%. Thủ tướng giật mình, hỏi lại các bộ ngành xem lại và sau đó đưa ra con số tương đương như vậy", ông Phúc trình bày.
Ở dưới hội trường, nhiều đại biểu đã bật cười. Điều khiển phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị: "Cố gắng lần sau đừng để Thủ tướng giật mình".
Chưa hài lòng với cách trả lời không đi vào trọng tâm, đại biểu Vũ Hoàng Hà thẳng thắn: "Bộ trưởng đã tạo sự hiểu lầm Bộ dự báo chính xác, nhưng Chính phủ không nghe. Việc đổ trách nhiệm là không được vì với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng phải đưa ra cơ sở dữ liệu đủ sức thuyết phúc Chính phủ".
"Chúng tôi không đổ trách nhiệm cho ai cả. Có thể đại biểu không nghe rõ phần giải trình. Tôi nói sau khi được cảnh báo, Chính phủ đã nghe và có giải pháp. Nhưng 3 tháng cuối năm 2007 do các bộ ngành không phối hợp nhịp nhàng nên đã dẫn đến lạm phát. Việc cập nhật thông tin cho Thủ tướng không đầy đủ", ông Phúc lên tiếng.
Giơ ra bản báo cáo dài 99 trang giấy do Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi đại biểu từ đầu kỳ họp, rồi xin phép đọc nguyên văn một đoạn trong báo cáo, ông Phúc khẳng định: "Chúng tôi đã nói rõ trách nhiệm, nhưng có thể báo cáo dài quá, đại biểu đọc không hết. Tôi không đổ trách nhiệm cho ai cả".
Là Viện trưởng Kinh tế TP HCM, đại biểu Trần Du Lịch lên tiếng: "Tôi thấy Bộ trưởng đổ lỗi lạm phát cho Ngân hàng nhà nước. Thực ra tiền tệ chỉ là giọt nước tràn ly. Báo cáo Chính phủ đã nói rõ nguyên nhân sâu xa của lạm phát là cơ cấu kinh tế. Vấn đề này thì tổng tham mưu là Bộ Kế hoạch Đầu tư, chứ không phải bộ khác".
"Đại biểu hỏi thì tôi trả lời, chứ tôi không đổ cho Chính phủ", ông Phúc lên tiếng. Và lại giơ ra bản báo dài 99 trang được đóng bìa màu xanh, Bộ trưởng Phúc nói: "Báo cáo này đã nói đầy đủ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến lạm phát, trong đó có lỗi của cơ cấu kinh tế. Báo cáo viết với lời lẽ rất cẩn thận, đúng liều lượng".
Phía dưới hội trường, đại biểu lại ồ lên cười. Ngồi ở hàng ghế đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bật cười với cách giải trình của cấp dưới.
Kỷ lục về số ý kiến cử tri và chất vấn của đại biểu Đầu giờ sáng nay, ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử trị. Ông Kim cho biết đã có 1.551 ý kiến cử tri, gấp rưỡi kỳ họp thứ hai và cao nhất từ trước đến nay, tập trung vào 4 vấn đề: giá cả, lạm phát tăng cao, đời sống nhân gặp nhiều khó khăn; nông dân mất đất sản xuất và trở thành thất nghiệp; nạn tham nhũng và lãng phí chưa được đẩy lùi; ô nhiễm môi trường và cuối cùng là vấn đề mở rộng Hà Nội. "Cử tri bức xúc nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Việc xử lý nhiều vụ án gây băn khoăn trong dư luận, như miễn truy cứu trách nhiệm ông Nguyễn Việt Tiến. Cử tri mong muốn Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương hoạt động tích cực hơn, xử lý nghiêm và kịp thời những người tham nhũng, bao che, dù họ là ai, ở bất cứ cương vị nào", ông Kim nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết có 230 chất vấn của 107 đại biểu gửi tới các thành viên Chính phủ và Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Riêng Thủ tướng có 27 chất vấn, Bộ trưởng Công thương 35. |
Hồng Khánh