Bộ trưởng Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại Iran Reza Fatemi Amin bị quốc hội cách chức hôm nay, với kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thấy 162 phiếu ủng hộ quyết định, 102 phiếu phản đối.
Theo hiến pháp Iran, các nghị sĩ có thể luận tội bộ trưởng khi cảm thấy cần thiết. Đề xuất luận tội cần nhận được ít nhất 10 chữ ký ủng hộ. Lý do chính dẫn khiến ông Fatemi Amin bị bỏ phiếu bất tín nhiệm là giá xe sản xuất tại Iran tăng vọt, sau khi hàng nhập khẩu khan hiếm vì lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đây là lần thứ hai ông Fatemi Amin bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội về cùng một vấn đề. Ông vượt qua cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11/2022 sau khi nhận được 182 phiếu ủng hộ, vượt mức quá bán cần thiết để được tiếp tục giữ chức. Quốc hội Iran có 290 ghế.

Ông Reza Fatemi Amin phát biểu trước khi quốc hội Iran bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 30/4. Ảnh: AP
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết mọi lĩnh vực ông Fatemi Amin quản lý đều tăng trưởng, kêu gọi các nghị sĩ tái bổ nhiệm bộ trưởng này. "Điều quan trọng là sự ổn định ở bộ", ông Raisi nói.
Phe đối lập cho rằng Fatemi Amin đã quản lý yếu kém hoạt động công nghiệp, khai khoáng và thương mại, thể hiện ở sự tăng giá nhiều mặt hàng. Nghị sĩ Lotfollah Siahkali cáo buộc ông Fatemi Amin báo cáo sai số liệu với Tổng thống.
"Nếu có tăng trưởng, tại sao chúng tôi không thấy điều đó thể hiện trong cuộc sống người dân", ông Siahkali đặt câu hỏi, cho rằng Bộ Công nghiệp, Khai khoáng và Thương mại Iran nên để lĩnh vực xe hơi cho tư nhân phát triển.
Press TV đầu tháng 4 cho biết giá các mẫu xe của hai công ty xe hơi hàng đầu Iran là IKCO và Saipa đã tăng trung bình 29% so với lần điều chỉnh gần nhất hè năm 2021. Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo giá xe tăng tác động tiêu cực đến thị trường, nơi một số mẫu đã được bán với giá cao hơn 4 lần so với giá hãng.
Ông Fatemi Amin bị cách chức đánh dấu thay đổi thứ 6 trong nội các của ông Raisi trong vòng chưa đầy hai năm nắm quyền. Ông Raisi trước đó đã thay người đứng đầu bộ trưởng nông nghiệp, kế hoạch và ngân sách, giáo dục, đường bộ và lao động.
Kinh tế Iran gặp khó khăn do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đáp trả Tehran phát triển chương trình hạt nhân. Đồng rial đã mất giá đáng kể từ năm 2018, khi tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Tehran.
Như Tâm (Theo AFP, AP)