Đại diện chủ thầu cúi đầu tạ lỗi về vụ sập cầu. Ảnh: P.V. |
Cùng tổ chức buổi họp báo chiều 29/9 có đại diện của lãnh đạo tập đoàn Taisei, nhà thầu chính chịu trách nhiệm thi công nhịp cầu xảy ra sự cố. Ông Hayama Kanji, Chủ tịch tập đoàn Taisei, cùng đồng sự của mình đã rạp đầu đúng như truyền thống của người Nhật gửi lời cầu nguyện cho linh hồn những người đã mất. "Tận đáy lòng, tôi cũng gửi lời hỏi thăm đến người bị thương và gia quyến. Cho tôi được gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân Việt Nam vì đã gây ra khó khăn phiền hà và nỗi đau đớn to lớn này", ông nói.
Nhà thầu vẫn khẳng định đã làm đúng về nguyên tắc
Khoảng 60 phóng viên của hầu hết các báo có mặt. Phần lớn câu hỏi đều xoáy sâu vào những vấn đề liên quan đến trụ tạm, trụ số 14, dàn giáo... những giả thuyết gây ra vụ sập cầu.
Theo nhà thầu Taisei, trụ tạm lún là một trong những giả thiết về nguyên nhân dẫn đến sự cố. Hồ sơ về trụ tạm đã có đầy đủ và những trụ này đã được thử trọng tải. "Chúng tôi vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác nên chưa thể kết luận nguyên nhân chính có phải từ trụ tạm này hay không", chủ tịch tập đoàn Taisei nói. Vị chủ tịch tập đoàn này còn khoẳng định trụ 14, thi công đúng thiết kế, đảm bảo về độ sâu, không có chuyện vướng đá ở phía dưới.
Thừa nhận dàn giáo đã sử dụng lần 2 nhưng nhà thầu cho rằng, điều đó vẫn đúng về nguyên tắc và trước mỗi lần sử dụng đều được tiến hành kiểm tra. "Dàn giáo xây dựng, lắp ráp đúng thiết kế, đã thử tải theo quy định và có khả năng chịu tải", ông này khẳng định.
Báo giới đặt vấn đề, ngày 26/9, có thông tin một kỹ sư Nhật đã viết thư cho đơn vị phụ trách chính của dự án cầu Cần Thơ, trong đó cảnh báo dàn giáo chỉ đảm bảo 15% độ an toàn. "Chúng tôi không hề nhận được thông tin này", đại diện Taisei phủ nhận.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, Taisei cho rằng, nhà thầu chính chỉ có trách nhiệm với nhà thầu mà họ trực tiếp thuê. Còn Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, Bộ quản lý nhà nước nên có trách nhiệm với tư cách là chủ đầu tư, nhưng phần chính vẫn là nhà thầu. Ông Dũng cho biết thêm, nếu nguyên nhân sự cố có trách nhiệm trực tiếp của Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông sẽ suy nghĩ tới việc "từ chức hay không".
Với ý kiến quan ngại về tiến độ xây dựng cầu theo thời hạn 2008 và chất lượng công trình, đại diện nhà thầu cho rằng, gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp hiện trường để đưa các hoạt động trở về quỹ đạo bình thường. Phải một thời gian nữa, khi văn phòng ổn định trở lại mới tính được thời gian thi công tiếp theo và có hoàn thành đúng hay không.
"Đến thời điểm này, chúng tôi chưa biết rõ thời gian xử lý đống đổ nát nên chưa biết có đảm bảo thời gian thi công hay không", ông Kanji nói.
Chưa xác định đúng số công nhân đang làm khi dầm cầu đổ
Theo quy định quốc tế, mỗi khi thi công, nhà thầu huy động bao nhiêu công nhân, kỹ sư ra hiện trường đều phải báo cho tư vấn giám sát và đơn vị này có trách nhiệm báo cho Ban quản lý dự án - đại diện cho chủ đầu tư. Thế nhưng, sau sự cố xảy ra, đến nay vẫn chưa có con số chính xác về công nhân thi công ở công trường trong buổi sáng đó.
Nỗi đau không gì bù đắp khi mất con. |
"Chúng tôi vẫn chưa có con số chính xác về số công nhân tại hiện trường. Tôi nghĩ ở khâu quản lý bước đầu có vấn đề và còn thiếu sót. Nhưng tôi xác nhận rằng tất cả công nhân đều có bảo hiểm, chúng tôi làm đúng hợp đồng lao động", ông Kanji cam kết. Ông cho hay, sẽ đề xuất Chính phủ để thống nhất mức hợp lý. Đối với công nhân lao động nghèo, không bằng cấp chuyên môn, làm công nhật, dù không có hợp đồng lao động, bảo hiểm, nhà thầu cũng sẽ cố gắng hỗ trợ khắc phục khó khăn như những trường hợp khác.
Đại diện Taisei cho biết, có khoảng 140 người tham gia thi công, trong đó có 75 người của Công ty Vĩnh Thịnh.
Cũng về vấn đề này, phóng viên đặt câu hỏi tại sao chiều 28/9, Thành ủy Cần Thơ tổ chức họp báo lại đưa ra danh sách công nhân thiệt mạng, trong đó có những người còn sống? Bộ trưởng Giao thông vận tải giãi bày, trách nhiệm quản lý công nhân là của nhà thầu. Do đây là tai nạn đầu tiên và lớn quá nên việc xác định danh sách nạn nhân bị lẫn lộn dẫn đến sai
Đại diện Taisei cho biết thêm, việc nhà thầu chính thuê "nhà thầu con" và các nhà thầu khác không sai quy định. Và nhà thầu phụ, gồm Công ty Thăng Long và Vĩnh Thịnh thuê công nhân địa phương là tạo công ăn việc làm cho người dân và hợp lý, vì việc kéo cáp và những việc nặng nhọc khác không cần lao động có kinh nghiệm.
Buổi họp không có đại diện của các đơn vị trực tiếp quản lý công nhân là Vĩnh Thịnh và Thăng Long. Theo giải thích của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, cuộc họp do Bộ và nhà thầu chính tổ chức, nên không có mặt của nhà thầu phụ.
Nhóm phóng viên