-
9h40
Bộ trưởng nắm vững, giải trình đầy đủ
Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 112 đại biểu đăng ký chất vấn, 20 đại biểu đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận. Còn 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu tranh luận nhưng do hết thời gian nên ông đề nghị gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các đại biểu Quốc hội bám sát nội dung chất vấn, tích cực đeo bám, tranh luận làm rõ vấn đề. Bộ trưởng Giao thông Vận tải tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững vấn đề, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế; đề xuất được cả giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách của Bộ và ngành.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, hoàn thành khối lượng công việc lớn và phức tạp.
-
9h35
Siết thanh tra sát hạch cấp giấy phép lái xe
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã nhận diện được vấn đề này. Thời gian tới, Bộ sẽ siết thanh tra, kiểm tra, phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải các tỉnh trong đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hiện nay việc sát hạch cấp giấy phép lái xe đang được phân cấp cho địa phương, Bộ chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành khắc phục triệt để vấn đề đại biểu nêu", ông Thắng cho hay.
-
9h25
'Thanh tra ngành chưa làm hết trách nhiệm'
Trả lời các đại biểu về đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong đăng kiểm là do công tác thanh tra chưa phát hiện ra. Tuy nhiên, hoạt động đăng kiểm có đặc thù là tương đối khép kín, nên thanh tra chỉ kiểm tra trên hồ sơ, trong khi các sai phạm không nằm trong hồ sơ, "hồ sơ rất đẹp nhưng vẫn sai phạm".
Bên cạnh đó, đăng kiểm có hệ thống công nghệ thông tin để kiểm tra những yếu tố liên quan đến phương tiện, nhưng phần mềm này bảo mật kém nên dễ bị lợi dụng. Các trung tâm đăng kiểm phía dưới có thể dùng phần mềm can thiệp, làm thay đổi số liệu. Thanh tra với nghiệp vụ bình thường không phát hiện ra. Các tiêu cực khác như nhận tiền, tham nhũng cũng là ở ngoài hồ sơ, nên khó cho thanh tra.
"Nhưng không thể phủ nhận là hoạt động thanh tra thời gian qua chưa làm hết trách nhiệm, chưa đạt yêu cầu", ông Thắng thừa nhận.
Ông nói, khi bắt đầu nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông yêu cầu làm ngay hai việc là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Khi đoàn thanh tra về báo cáo rằng chỉ có thể kết luận là "có dấu hiệu vi phạm can thiệp vào hệ thống giám sát thời gian và quãng đường của lái xe". Nhưng ông Thắng không đồng ý và nói rằng như vậy là chưa làm tròn trách nhiệm. Sau đó, ông yêu cầu tập trung lực lượng làm tốt công tác thanh tra.
-
9h20
Nguồn vật liệu cát biển cho cao tốc Bắc - Nam đảm bảo
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế) cho biết tình trạng tăng công suất khai thác tại các mỏ cát khi triển khai dự án có thể gây sụt lún, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng làm rõ các giải pháp cho tình trạng này.
Ông Thắng cho biết đối với nhu cầu cát trong xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần 18 triệu m3 cát, thời gian triển khai là 3 năm. Theo quy hoạch hiện nay, có khoảng 130 triệu m3, tập trung 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trong khi đó, tuyến cao tốc tổng cộng 8 dự án thành phần, cần khoảng 50 triệu m3 cát. Như vậy, theo quy hoạch vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu.
Riêng dự án Cần Thơ - Cà Mau, Bộ Giao thông Vận tải và Tài nguyên Môi trường làm việc với 3 tỉnh. Theo đó, Thủ tướng đã giao An Giang cung cấp 7 triệu, đồng tháp 7 triệu, vĩnh long 5 triệu m3. "Các tỉnh rất ủng hộ đang làm quy trình thủ tục đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho dự án này. Về vấn đề môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp các địa phương để đánh giá thận trọng, khách quan.
-
9h10
'Xã hội hóa đăng kiểm đến mức mất kiểm soát'
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó đoàn Phú Thọ) đồng tình với nội dung mà Bộ trưởng Thắng trả lời về đăng kiểm. Trong thời gian ngắn, Bộ có nhiều giải pháp ổn định các trung tâm đăng kiểm. Nhưng ông Nam đề nghị xác định trách nhiệm của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và các địa phương trong thanh tra, giám sát kịp thời để phòng ngừa việc lợi dụng khi nhu cầu đăng kiểm tang cao.
Ông Nam cũng đề nghị rà soát, điều chỉnh quy chuẩn đăng kiểm cho phù hợp với thực tế hiện nay. Ông dẫn chứng, hiện nay nhiều người dân có nhu cầu cải tạo xe 10 chỗ thành xe 5-6 chỗ phù hợp với hoạt động gia đình, không phục vụ kinh doanh, nhưng khi đăng kiểm thì không đủ điều kiện. "Vì sao không đủ điều kiện, người dân rất ý kiến", ông Nam phản ánh.
Tiếp tục chủ đề này, đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc) tranh luận, bày tỏ đồng tình việc Bộ trưởng nói chỉ cần đào tạo lãnh đạo, nhân lực thì các trung tâm đăng kiểm thì sẽ giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, bà nói rằng "Bộ trưởng mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề, còn phần gốc trọng tâm của vấn đề thì Bộ trưởng chưa trả lời làm rõ là nguyên nhân dẫn đến sự việc đã rồi".
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành để xảy ra hàng loạt vi phạm tại các trung tâm đăng kiểm "có phải chăng khi xã hội hóa hoạt động kiểm định đã thiếu kiểm tra, giám sát, để xã hội hóa đăng kiểm đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm lộng hành".
Bà Lịch dẫn chứng như hàng nghìn ô tô hết niên hạn sử dụng phải nộp đăng ký biển số và bị cấm lưu thông nhưng những xe này vẫn được cấp giấy kiểm định và ngang nhiên lưu thông, gây nhiều hiểm họa cho người dân. Điển hình là vụ xe ô tô hết niên hạn đưa đón học sinh, gây tai nạn đau lòng. "Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng duy nghĩ gì về vấn đề này?", bà Lịch chất vấn và đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ thêm.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên) chất vấn, các vi phạm trong đăng kiểm, sát hạch giấy phép lái xe đã kéo dài. Nhưng vì sao qua thanh tra ở 63 tỉnh thành nhưng không phát hiện sai phạm mà chỉ chuyển 6 vụ việc liên quan vi phạm sát hạch giấy phép lái xe cho công an. "Vậy chất lượng thanh tra do năng lực cán bộ hay nể nang, né tránh hay áp lực gì khác mà không phát hiện ra?", ông Huấn hỏi, đề nghị Bộ trưởng cho biết có nắm được việc một số nơi nhận bôi trơn trong sát hạch giấy phép lái xe hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm do chưa phản ứng kịp thời với thay đổi của chính sách. Nghị định 139 của Chính phủ có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm, khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành không còn hiệu lực nên trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ.
Chỉ 2 năm trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến tiêu cực. "Câu chuyện này có tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục đăng kiểm Việt Nam", ông Thắng nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng, việc này đã vô hiệu hóa công tác kiểm tra giám sát bởi "khi họ cấu kết với nhau, họ không thể lấy đá ghè chân mình". Nhận diện được vấn đề này, Nghị định 139 sửa đổi đã đưa vào yếu tố kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương; phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở Giao thông Vận tải địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.
-
9h00
Cần tạo lòng tin cho doanh nghiệp BOT
Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh) cho rằng một số dự án mà Bộ trưởng nêu ra chưa có thời hạn, chưa có khẳng định cụ thể, nhất là đối với các dự án BOT. Do đó, đại biểu đề nghị với nhiều dự án, Bộ trưởng cần có cam kết cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, vướng mắc tại các dự án BOT này phía Bộ Giao thông Vận tải cũng rất trăn trở. Bộ đã tổng kết đánh giá, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, tháo gỡ triệt để rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực BOT từ thể chế, chính sách đến vấn đề cụ thể.
"Phải tạo lòng tin cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp BOT tự tin bỏ nguồn lực", ông Thắng nói.
Ông cho biết Bộ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá không chỉ 8 dự án BOT đang gặp khó khăn mà toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc gồm cả dự án Trung ương và địa phương để có bức tranh toàn cảnh, từ đó đề ra giải pháp. Sau khi tổng hợp ý kiến địa phương và nhận diện các vấn đề, Bộ sẽ trình lại phương án xử lý với 8 dự án BOT trước đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
-
8h35
Sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm có trách nhiệm của Bộ
Chiều qua, tham gia tranh luận về vấn đề đăng kiểm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Thường trực Ủy ban Pháp luật) cho rằng thiếu hụt nhân viên gây khủng hoảng đăng kiểm có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề này.
Bà cho rằng Bộ Giao thông Vận tải cần phải giữ ổn định trong thực thi công vụ để đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác đăng kiểm. Nữ đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này và Phó thủ tướng Lê Minh Khai nêu rõ bài học rút ra sau vụ việc?
Trả lời đại biểu Nhung sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sự việc xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm là sự cố "hết sức đau xót" với lĩnh vực đăng kiểm và ngành giao thông vận tải. "Bộ có trách nhiệm cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm thời gian qua", ông Thắng nói.
Tuy nhiên ông giải thích, khi lực lượng công an tiến hành điều tra, khởi tố, tạm giam các đăng kiểm viên, Bộ Giao thông Vận tải không thể đề nghị Bộ Công an cần báo trước. Vì vậy, sau khi xảy ra sự việc, Bộ Giao thông Vận tải mới trao đổi với Bộ trưởng Công an để cùng tháo gỡ.
Đơn cử, như khi công an khám các trung tâm đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Công an tạo điều kiện là khi thu giữ máy móc, thiết bị, tài liệu niêm phong để phục vụ điều tra thì làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại trung tâm đăng kiểm để Cục đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.
Tuy nhiên, 75% các trung tâm đăng kiểm của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là khôi phục ngay được, nhất là trong số những người bị khởi tố, bắt giam có nhân lực chủ chốt là đăng kiểm viên bậc cao. Đây là những người rất khó thay thế vì thông thường mỗi trung tâm chỉ có một người. Để đào tạo được một đăng kiểm viên bậc cao cần 1-1,5 năm.
Theo Bộ trưởng, sau khi tiến hành nhiều giải pháp, đến nay vấn đề đăng kiểm cơ bản được giải quyết, điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm hoạt động cơ bản được đảm bảo. Còn vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm đã được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét khi sửa đổi Luật Giá.
-
8h25
Cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm vì thiếu vốn
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM) nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Bà đề nghị Bộ trưởng thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành của dự án này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ đối với dự án này do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn trong nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được. Việc này dẫn đến khi hiệp định hết hạn không gia hạn được. Để tháo gỡ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp Ủy ban Quản lý vốn và VEC trình Chính phủ, Quốc hội đề xuất phương án tháo gỡ vấn đề tài chính.
Hiện các vướng mắc đã được giải quyết. Vốn JICA đã được Quốc hội giao, vốn đối ứng được Chính phủ cấp, các nhà thầu đã thi công lại. Các đoạn tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành ngay trong quý 1 và 2, còn hai cây cầu toàn tuyến hoàn thành chậm nhất quý 3/2025.
"Ngồn vốn cơ bản được tháo gỡ, các đơn vị đang phối hợp chuẩn bị chương trình thủ tục, điều chỉnh dự án để tiếp tục", ông nói.
Nói thêm về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng nguyên nhân về vốn như Bộ trưởng Thắng nói "chỉ là một phần". Qua thị sát, ông Huệ thấy vướng mắc mấu chốt hiện nay là việc khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi việc thi công phải dừng, nghỉ. Họ yêu cầu đền bù rất nhiều. "Chưa giải quyết được việc này thì tiến độ dự án còn tiếp tục chậm", ông Huệ lo ngại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó thủ tướng Lê Văn Khái trả lời thêm về hướng tháo gỡ dự án.
-
8h00
Đẩy mạnh quy hoạch cảng biển để giảm chi phí logistics
Tranh luận với Bộ trưởng Thắng cuối phiên chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết chi phí logistics rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%. Theo ông Hiếu, muốn giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Đại biểu lấy ví dụ ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi sửa chữa thì số lần cất cánh, hạ cánh ít hơn trước khi sửa. "Bỏ mấy nghìn tỷ đồng nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí. Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam", ông Lân Hiếu nói.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói theo thông lệ quốc tế, chi phí logistics đều được so sánh với GDP. Năm 2022 ở mức 16,8% GDP - cao so với bình quân chung trên thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ này đã tiệm cận chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025 là 16-20%.
Việt Nam đang xếp ở vị trí thứ 43 trong tổng số 139 nước tham gia xếp hạng và trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ tư. "Đây là kết quả ban đầu để tiếp tục phấn đấu và thực tế dư địa để giảm chi phí logistics còn rất nhiều", ông Thắng nói, cho biết Bộ sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp các bộ ngành tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ như các cảng cạn, trung tâm logistics.
Ông Thắng cũng thông tin, quy hoạch hàng không đã hoàn thiện thủ tục và đã trình Thủ tướng, trong những ngày tới quy hoạch này có thể ban hành. Khi có các quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư kết nối đường thủy với cảng biển, lấy quy hoạch hàng hải, cảng biển là trung tâm để kết nối với đường thủy, đường sắt, kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải lên các tuyến Tây Nam, giảm thiểu chi phí logistics.