Chiều 12/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đi kiểm tra toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Người đứng đầu Bộ Giao thông khẳng định "tháng 10 sẽ vận hành kỹ thuật, tháng 12 vận hành thương mại".
Nêu cảm nhận sau khi đi thử tàu toàn tuyến (từ Depot Hà Đông đến ga Cát Linh) ông Thể cho biết, tàu đi rất êm thuận do hai bên đường có hệ thống chống ồn.
"Tàu có tạo ra tiếng ồn nhưng tiến ồn không lớn như các tuyến của hệ thống đường sắt quốc gia", ông chia sẻ.
Ông Thể cho rằng, ông có niềm tin vì tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được làm bằng công nghệ của đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc). Toàn bộ thiết bị, tín hiệu thông tin của tuyến Cát Linh - Hà Đông đều tự động hoá, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, khi công trình hoàn thành sẽ hoạt động tốt nhất phục vụ nhân dân.
Video: Trần Quang - Thế Quỳnh
"Người dân Hà Nội sẽ có một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại. Công trình không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà còn tạo đột phá về kinh tế xã hội, đặc biệt thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông Thể nói.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện mỗi tuyến đường sắt đô thị có công nghệ khác nhau, tuyến Cát Linh - Hà Đông công nghệ Trung Quốc, tuyến Nhổn - ga Hà Nội công nghệ Pháp, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) công nghệ Nhật, nên các nhà đầu tư cần có sự cạnh tranh, tạo niềm tin để còn thực hiện những dự án đường sắt đô thị sau.
"Chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp những thiết bị tốt nhất để có sự cạnh tranh với những nhà đầu tư khác", Bộ trưởng Giao thông cho hay.
Về tiến độ công trình, lãnh đạo Bộ Giao thông yêu cầu các bên liên quan rà soát để tàu vận hành kỹ thuật và thương mại đúng thời gian.
Theo Bộ trưởng Giao thông, khó khăn lớn nhất với nhà đầu tư và tổng thầu là nguồn vốn. Việc giải ngân gói tín dụng 258 triệu USD theo hiệp định giữa hai nước thời gian qua gặp một số khó khăn khách quan về thủ tục pháp lý. Bộ yêu cầu Ban quản lý dự án, tổng thầu rà soát, tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán trên tinh thần thanh toán ngay cho những hạng mục đã được nghiệm thu và thanh toán 80% giá trị các hạng mục đã hoàn thành lắp đặt thiết bị, đã vận hành thử.
"Vướng với cơ quan nào thì Bộ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư để đẩy nhanh các thủ tục. Thậm chí nếu cần Bộ sẽ báo cáo Chính phủ tạo điều kiện giải ngân cho đúng tiến độ", lãnh đạo Bộ Giao thông cam kết.
Với khó khăn trong việc kết nối điện, nhà thầu cho hay hiện nguồn điện ở trong công trình chỉ đủ vận hành thi công. Để vận hành toàn bộ công trình thì nhu cầu điện năng rất lớn, nhưng việc kết nối đang khó khăn do có sự khác biệt giữa điện lực Việt Nam và tổng thầu dự án.
Bộ trưởng Giao thông cho hay sẽ làm việc với Bộ Công Thương, TP Hà Nội và điện lực để sớm hoàn thành kết nối điện phục vụ cho việc vận hành toàn đồng bộ các thiết bị trên toàn tuyến.
"Từ nay đến thời điểm vận hành kỹ thuật và thương mại chỉ còn 4, 5 tháng, trong khí khối lượng công việc còn lại tương đối lớn. Để có thể đáp ứng được yêu cầu tiến độ, Bộ yêu cầu tăng thêm xe máy, nhân lực thi công ở các hạng mục có nguy cơ chậm, thậm chí phải thi công cả 3 ca để đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Giao thông nói.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km trên cao, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông), toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất, đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD vào năm 2008, đến năm 2016, được điều chỉnh tổng mức đầu tư là hơn 868 triệu USD (tăng 315 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198 triệu USD. |
Võ Hải