Sáng 6/3, Uỷ ban Tư pháp tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Trình bày báo cáo nghiên cứu về tình hình trên, bà Nguyễn Thị Thủy - Thường trực Uỷ ban Tư pháp - cho hay trong công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe còn một bộ phận học viên có tâm lý "không muốn học bài bản nhưng muốn có giấy phép". Nắm bắt tâm lý này, nhiều cơ sở đào tạo cắt xén chương trình, số giờ học lý thuyết và thực hành; thay vì dạy bài bản thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này; có hiện tượng "bao thi", "bao đỗ" tại một số cơ sở.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, cuối năm 2018, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 138 về trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe. Theo đó, nội dung giảng dạy phải thay đổi theo hướng tăng cường tình huống tập lái xe trong sa hình.
"Tôi đang đề xuất với bài thi thực hành sa hình, trường hợp học viên phạm lỗi vượt đèn đỏ báo hiệu đường sắt hay phạm lỗi khi xe qua đường đèo thì giám khảo cho rớt ngay, vì những lỗi đó nếu trong thực tế có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", ông Thể nói và cho hay, hiện 100 người thi chỉ xét 58% trúng tuyển, còn lại phải thi lần 2, lần 3.
Theo ông, Bộ Giao thông sẽ phối hợp với Bộ Công an nhằm cung cấp thông tin những trường hợp bằng giả, vi phạm để phục vụ công tác xử lý của cơ quan chức năng.
"Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3", ông Thể nói.
"Thu bằng lái vĩnh viễn lái xe dùng ma tuý gây tai nạn"
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị giải trình việc lâu nay dư luận phản ánh tình trạng lái xe đường dài sử dụng ma túy, song công tác tuần tra chưa tập trung, chỉ đến khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng ở Long An, Hải Dương do tài xế sử dụng ma túy, gây bức xúc dư luận thì việc kiểm tra mới được chú trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng quy định hiện hành chưa đảm bảo sức răn đe, trong khi việc xử lý phải căn cứ vào khung hình phạt. Ví dụ, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế sử dụng ma tuý, đây là vi phạm dẫn đến chết người, ngoài trách nhiệm hình sự thì mức phạt chỉ là tước giấy phép lái xe trong khoảng 2 năm và cho tiếp tục sử dụng sau đó.
"Những tai nạn như thế chúng ta không mong muốn, nhưng mức xử lý phải nặng hơn vì sử dụng ma tuý đã là vi phạm pháp luật rồi. Tài xế vi phạm pháp luật thì không đủ tư cách, đạo đức để được lao động như một công dân bình thường", ông nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng Giao thông, một số nước như Trung Quốc đã áp dụng tịch thu bằng lái vĩnh viễn những tài xế vi phạm nghiêm trọng. Với tình hình Việt Nam hiện nay, Bộ đang đề xuất nếu lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thì cũng phải thu hồi vĩnh viễn bằng lái, hoặc tăng thời gian thu hồi trong vòng 15 năm để bảo đảm tính răn đe.
"Giải pháp căn cơ là cần có hồ sơ cá nhân của các lái xe, những vi phạm đều phải được ghi vào hồ sơ của họ hoặc chủ doanh nghiệp để quản lý chặt chẽ", ông Thể nói và đề nghị bên cạnh xử lý tài xế, cũng phải xử lý cả doanh nghiệp thuê lái xe.
Tăng cường cơ chế phạt nguội vi phạm giao thông
Phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp cũng tập trung vào tình trạng chậm ứng dụng công nghệ thông tin, chưa lắp đặt đồng bộ hệ thống camera giám sát trong công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông.
"Bên cạnh những đóng góp lớn, hi sinh vất vả của cảnh sát giao thông, một bộ phận tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng. Đề nghị Bộ Công an có giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để vấn đề này", bà Thủy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn cho rằng, lực lượng CSGT "rất muốn ngồi ở phòng có thể điều khiển giao thông chứ không phải ra đường nguy hiểm, bệnh tật". Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chưa như mong muốn. Sở dĩ CSGT có mặt trên đường là do ý thức người tham gia giao thông còn nhiều vấn đề. "Có nước nào người dân dừng giữa đường cao tốc ăn uống, tỉ lệ người dùng rượu bia vi phạm giao thông nhiều như Việt Nam", ông nêu vấn đề.
Thứ trưởng Sơn khẳng định Bộ Công an rất cầu thị với những góp ý, "chúng tôi chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong ngành nếu có, đồng thời lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội và báo chí; trường hợp có thông tin liên quan đến vi phạm của cán bộ, chiến sĩ thì Bộ sẽ xem xét, xử lý nghiêm túc".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình thêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin để phạt nguội là xu thế, nhưng để triển khai tốt hơn thì cần bổ sung quy định về phối hợp giữa ngành giao thông và công an.
"Nếu có đầy đủ khung pháp lý để phối hợp, chúng tôi sẽ chuyển dữ liệu giám sát hành trình, giám sát quốc lộ, các khu vực trọng điểm để kết hợp với dữ liệu vi phạm ở ngã ba, ngã tư, đậu đỗ trái quy định, vượt đèn đỏ trong đô thị, qua đó chắc chắn sẽ giảm thiểu số người phóng nhanh vượt ẩu", ông Thể nói.