Theo kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình sẽ trả lời chất vấn vào ngày thứ 6, ngày 22/3. Đây là lựa chọn được đưa ra trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội, kết hợp xem xét các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành chưa có điều kiện trả lời trực tiếp tại kỳ họp.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ trả lời chất vấn liên quan đến giải pháp của Bộ để thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”. Ngoài ra, nhiều vấn đề dành cho người đứng đầu ngành giáo dục cũng được đặt ra như chương trình hành động cụ thể để khắc phục tình trạng “dạy thêm, học thêm” và “bệnh thành tích”; giải pháp khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, làm trái chuyên ngành đào tạo; chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu... Người đứng đầu các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính sẽ cùng Bộ trưởng Giáo dục giải trình thêm.
Phiên chất vấn sẽ diễn ra vào cuối tuần tới với thời lượng nửa ngày cho mỗi trưởng ngành. Ảnh: Nhật Minh. |
Trong khi đó, các nhóm vấn đề được dành cho Chánh án TAND Tối cao là giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận thẩm phán, hội thẩm nhân dân ở tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn xét xử của TAND Tối cao đối với TAND các cấp; biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử.
Bộ trưởng các bộ Nội vụ, Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng thanh tra Chính phủ cũng tham gia giải trình. Mỗi vị sẽ có nửa ngày trả lời. Buổi chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, đồng thời kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp diễn ra từ 18 đến 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Qua hai lần thảo luận, quy trình thực hiện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp tháng 1 vừa qua song một số nội dung về quy trình được yêu cầu thể hiện đơn giản hơn. Tại phiên họp này, nhiều dự án luật mới, trong đó có hai luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét. Các luật khác cũng được cho ý kiến lần đầu gồm: Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật tiếp công dân. Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối sẽ được thông qua tại phiên họp này. |
Nguyễn Hưng