Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2013 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT. Thảo luận tại hội nghị, đa số các trường đề nghị được tăng ngân sách chi cho giáo dục năm 2013. Ông Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, ngân sách cấp hàng năm chiếm 89% tài chính của trường, khi tự chủ các trường phải chịu sự chi phối lộ trình tăng lương.
Số tiền này phần lớn lấy từ nguồn thu học phí nhưng khoản thu này cũng như chỉ tiêu tuyển sinh bị khống chế. Vì vậy, nguồn thu của các trường gặp rất nhiều khó khăn. Ông đề nghị Bộ Tài chính nên hỗ trợ thêm cho giáo dục đại học, chủ trương xã hội hóa giáo dục. "Hiện nay kinh phí và đầu tư cho sau đại học cao, nên chăng tăng học phí ở bậc này lên, vì hiện tại chỉ bằng 1,5 học phí chính quy", ông Nam đề xuất.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhắc nhở ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện nghiêm túc kết luận của thanh tra Bộ. Ảnh: HT. |
Đại diện ĐH Kinh tế Quốc dân thông tin, từ năm 2008 trường đã thực hiện tự chủ cùng với bốn trường đại học khác. Từ 2013, khi chỉ tiêu chính quy giảm xuống, các trường tự chủ kinh phí sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn Nguyễn Hồng Anh thì cho biết, tổng thu của trường chi cho lương, học bổng, chi thường xuyên hết 80%, phần còn lại chi cho khoản khác. Mức chênh lệch thu chi rất nhỏ nên trường khó khăn rất lớn trong tái đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất thiết bị dạy và học.
"Hiện các trường chỉ được chi hàng năm dưới 100 triệu nên nhiều lúc khó khăn, tôi đề nghị phân cấp mở rộng giới hạn này để các trường có thể mua sắm một số vật dụng nhỏ", hiệu trưởng Anh đề xuất.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, các trường hầu hết đều muốn tăng ngân sách cho năm tới. Tuy nhiên, một số thiết bị của các trường vẫn đắp chiếu thì không thấy báo cáo. Bộ trưởng cho biết, hiện chưa phát hiện được những vụ tham nhũng, thất thoát lớn trong ngành, nên có thể tạm thời yên tâm. Tuy nhiên, cũng có những sai sót Bộ đã thanh tra và đang xử lý, như ĐH Kinh tế Quốc dân vi phạm nhiều về triển khai những chỉ đạo của Bộ, nhưng hai năm liền không có lãnh đạo trường tham dự hội nghị.
"ĐH Kinh tế cần thực hiện nghiêm túc những kết luận của thanh tra", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, những việc hôm na làm thì những người đi sau sẽ thừa hưởng và gánh chịu. Hãy làm mọi việc thật tốt để người sau được thừa hưởng nhiều hơn. Bộ trưởng cũng nhắc nhở tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giáo viên, mua bằng bán điểm.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng tâm sự, trong thời buổi kinh tế khó khăn, tất cả các ngành đều phải tiết kiệm. Ngành giáo dục sẽ thực hiện tiết kiệm bằng cách giảm hội họp, đi công tác nước ngoài, bắt đầu bằng Bộ trưởng, thứ trưởng. Có trường nhận được tiền ngân sách nhiều hơn năm trước nhưng cũng có trường ít hơn. Trường bị giảm cũng không nên khó chịu mà phải chú ý nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Bộ trưởng Luận cho hay, qua kiểm tra tuyển sinh 2012, nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu. Vì vậy, năm 2013, ngoài việc phạt hành chính, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng nếu tuyển sinh vượt quá số lượng cho phép.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, trong năm 2013 số lượng các trường trực thuộc Bộ không thay đổi và chỉ tiêu của các trường vẫn ổn định. Chỉ tiêu tuyển mới sau đại học tăng 10-12%, số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sỹ tăng khoảng 5%. Chỉ tiêu đại học là 133.000, trong đó sư phạm 16.000, hệ cao đẳng chính quy 17.000, sư phạm là 2.900. Trung cấp có chỉ tiêu 7.200, tiến sĩ 1.350 người, thạc sỹ 27.000 người. Năm 2013, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo là gần 5.100 tỷ đồng. |
Hoàng Thùy