"Ở bậc phổ thông, đa phần các em chưa được phép đi xe". Ảnh: T.D. |
- Tình trạng học sinh trung học các thành phố lớn đi xe máy diễn ra rất phổ biến. Là người đứng đầu ngành giáo dục, ông nghĩ gì?
- Tôi không nắm rõ hiện có bao nhiêu học sinh đi xe đúng độ tuổi, nhưng theo quy định độ tuổi được cấp bằng lái thì đa số các em chưa được phép điều khiển xe lưu thông trên đường. Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh, chấm dứt tình trạng học sinh đi học bằng xe máy. Tôi rất hoan nghênh sáng kiến của thành phố.
Nếu làm tốt, ngành giáo dục Hà Nội sẽ đóng góp đáng kể vào giảm tai nạn giao thông của thành phố. Tôi rất mong không chỉ ngành giáo dục mà các bậc phụ huynh ở Hà Nội cũng ủng hộ cuộc vận động này, làm tấm gương để các nơi khác trong cả nước noi theo.
- Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc xử lý học sinh đi xe máy là không khả thi. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?
- Tôi cho rằng trước thực tiễn phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau là bình thường. Một nguyên tắc để quản lý nhà nước đó là không chấp nhận công khai vi phạm pháp luật. Nếu chúng ta khẳng định việc học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy là vi phạm pháp luật nhưng lại không xử lý thì chắc chắn tình hinh vi phạm sẽ tiếp diễn ngày một xấu hơn. Tôi tin, nếu lãnh đạo Hà Nội quyết tâm, tập trung làm kiên quyết thì sẽ có hiệu quả.
- Ông nghĩ gì trước ý kiến Bộ GD&ĐT phát động phong trào học sinh trung học cả nước "Nói không với vi phạm Luật an toàn giao thông"?
- Trước mắt, Bộ GD&ĐT chưa phát động phong trào này mà chỉ ủng hộ Hà Nội làm. Không phải khi có vấn đề gì bức xúc là chúng ta lại tổ chức một cuộc vận động trong cả nước. Qua tổng kết việc xử lý học sinh đi xe máy ở Hà Nội, chắc chắn sẽ có kinh nghiệm mở rộng thêm ra các địa phương khác. Những năm trước, một số tỉnh thành đã làm nhưng không thành công. Lần này, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ để Hà Nội làm thật tốt.
Tiến Dũng thực hiện