Chiều 6/6, làm việc với Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH), Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ lo ngại về số lượng hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp mà dư luận xã hội đang quan tâm. Con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện nay.
Ông Nhạ cho rằng các trường đại học phải tạo sự khác biệt bằng việc đi sâu vào chất lượng đào tạo, tập trung vào các ngành nghề mà xã hội đang cần. Trong môi trường cạnh tranh, mỗi trường phải chọn một hướng đi riêng, ưu tiên các ngành đào tạo chưa có hoặc chưa nhiều trường làm.
"Trường đại học phải là địa chỉ mà các doanh nghiệp tìm đến mỗi khi cần tuyển dụng. Cần chú ý đến các ngành nghề có cơ hội khi nước ta gia nhập TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN...", ông Nhạ nêu quan điểm.
Bộ trưởng Nhạ yêu cầu các đại học phải gắn đào tạo và thực tế, khắc phục được căn bệnh "lý thuyết quá nhiều, thực hành quá ít" khiến người học ra trường cứ ngơ ngác. Ông khuyên, có những thời kỳ các trường phải giảm quy mô để đào tạo, tập trung vào chiều sâu mà trọng tâm là hệ đại học.
"Tôi thấy nhiều trường đang say sưa với việc đào tạo thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. Trong khi đó, nhiệm vụ của chúng ta là đào tạo đại học cho ra đại học. Cử nhân mà có kiến thức sâu, tin học giỏi, tiếng Anh tốt còn hơn thạc sĩ mà chẳng giống ai", Bộ trưởng nhắc nhở.
"Tư lệnh" ngành Giáo dục khẳng định, nhiệm vụ của các trường đại học là nhập cuộc phục vụ đất nước trong công tác đào tạo nhân lực. Bộ trưởng sẽ khuyến khích cơ chế tự chủ đại học và môi trường bình đẳng giữa các trường công lập, tư thục. Để hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, trách nhiệm của người đứng đầu trường rất lớn.
"Sẽ không có sự thiên vị, trường tốt sẽ được khuyến khích đầu tư, trường yếu phải sáp nhập hoặc giải tán", ông khẳng định.
Về nhân lực giảng dạy tại các trường đại học, ông Nhạ yêu cầu không nên chạy theo số lượng thạc sĩ, tiến sĩ cho đủ chỉ tiêu mà lơ là chất lượng đầu vào. Nếu cần thiết, các trường có thể thuê tiến sĩ từ nước ngoài về giảng dạy.
Mạnh Tùng