Sau khi đưa ra một loạt giải pháp nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông với nhiều ý kiến đồng tình cũng như phản đối, sáng 28/10, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội trường về vấn đề này tại phiên thảo luận kinh tế xã hội.
Bộ trưởng cho hay, đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của người dân, trong đó có cả bà mẹ trẻ về việc giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Dù đó là ý kiến "khen ngợi, động viên hay chỉ trích nặng nề" thì bộ vẫn đánh giá cao và coi đây là phần rất quan trọng để tiếp thu, đưa vào chính sách.
Theo ông Thăng, vấn đề tai nạn và ùn tắc giao thông được nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Từ năm 2002 khi thấy gia tăng ùn tắc, tai nạn giao thông Chính phủ đã ra Nghị quyết 13 về giải pháp kiềm chế, tiến tới giảm tình trạng này. Chính phủ nhận định, ùn tắc và tai nạn giao thông do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do quản lý nhà nước còn thiếu sót và ý thức kém của người tham gia giao thông.
Cũng theo Bộ trưởng, từ năm 2003 tới nay, Đảng và Chính phủ đã ban hành chỉ thị, nghị quyết về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Gây nhất nhất, Chính phủ tiếp tục ra nghị quyết số 88 về các giải pháp giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông đang cùng các bộ, ngành liên quan và Hà Nội, TP HCM triển khai các giải pháp nêu trên, nhưng Bộ trưởng khẳng định: "Tất cả giải pháp đang được triển khai, chưa có gì là sáng kiến của ngành giao thông".
Để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, ông Thăng cho rằng, giải pháp cơ bản và lâu dài là cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các văn bản dưới luật đồng bộ, đảm bảo chất lượng cao. Bộ Giao thông đang cùng các bộ, ngành rà soát, cần thiết thì đề nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tế.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng đề nghị các quy hoạch, chiến lược về giao thông vận tải đã được Chính phủ phê duyệt phải được cập nhật cho phù hợp. "Trong quy hoạch phải đảm bảo đầu tư phát triển đường bộ hài hòa, đảm bảo không ngừng ưu tiên vận tải công cộng, đồng thời đáp ứng nhu cầu về phương tiện giao thông cá nhân của nhân dân. Ở các đô thị lớn cần xây dựng hệ thống đường hầm, đường trên cao, cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông. Trong xây dựng, phê duyệt khu dân cư mới, phải dành 16-26% diện tích đất cho giao thông", Bộ trưởng Thăng đưa ra các giải pháp lâu dài.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho hay, sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện vận tải. Ngành giao thông vận tải cũng như các ngành khác coi chỉ đạo của Chính phủ về việc tái cơ cấu đầu tư công là cơ hội để làm cuộc cách mạng trong ngành, đặc biệt là phải rà soát lại các dự án đầu tư.
Việc triển khai phát triển hạ tầng giao thông trước đây được thực hiện theo cơ chế phân bổ ngân sách năm sau ứng vốn của năm trước. Nhưng từ năm nay, do cơ chế thay đổi nên Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận: "Từ tháng 4, ngành giao thông vận tải đã không còn tiền để đầu tư. Do đó mong các địa phương hết sức thông cảm và chia sẻ. Phải chấp nhận một số dự án dở dang...".
Trước thực trạng này, theo ông Thăng, cần thiết thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ có những dự án phải dừng, giãn, hoãn và chấm dứt, đồng thời tập trung vào các dự án quan trọng, đặc biệt trên các tuyến đường tắc nghẽn ở các nút nối tâm, khu kinh tế lớn. Và phải phát triển hài hòa giữa các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không.
"Phải tổ chức khai thác hạ tầng giao thông một cách tốt nhất. Đổi giờ làm việc thực sự là cũng gây xáo trộn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Chúng tôi hết sức áy náy vì điều này. Nhưng nếu hy sinh lợi ích nhỏ mà không ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông thì người dân cũng được lợi", ông Thăng chia sẻ.
Bên cạnh việc mong người dân, các đại biểu Quốc hội chia sẻ với các giải pháp của ngành Giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho hay, đang phối hợp với ngành công an, xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, để đảm bảo việc thực thi pháp luật cao nhất. Thêm vào đó, ông cũng đề nghị phải tuyên tryền và nâng cao ý thức của người dân.
"Tôi cũng nhất trí với ý kiến của đại biểu cho rằng Quốc hội phải giám sát vấn đề tai nạn, ùn tắc và có nghị quyết về vấn đề này, để toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân đồng thuận và thực hiện thì chắc chắn việc kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn sẽ đạt mục tiêu đề ra", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tiến Dũng