Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, đại biểu Trương Minh Hoàng yêu cầu Bộ trưởng đưa ra giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải hợp lý để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ví dụ, sân bay Long Thành đi vào khai thác thì giá cước vận tải như thế nào?
Ông Hoàng cũng băn khoăn, sau 40 năm giải phóng miền Nam song đường ôtô từ Cao Bằng chưa đến được Mũi Cà Mau, đường ôtô vẫn chưa về đến trung tâm huyện xã.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà băn khoăn khi chuyển giao quyền khai thác một số đường cao tốc, thì có thể nhà đầu tư thu phí cao, ảnh hưởng lợi ích của người dân. Vậy tiêu chí nào để lựa chọn nhà đầu tư chuyển giao các dự án này.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, cho rằng, quốc lộ 6 đầu tư theo hình thức BOT sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội song mức thu phí đường bộ và cao tốc có thể cao. Nếu trên quốc lộ 1 có thêm nhiều trạm thu phí, việc thành lập trạm có đúng khoảng cách và Bộ Giao thông sẽ quản lý số phí thu được như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, ngành giao thông đang tiến hành tái cơ cấu nhiều lĩnh vực để tăng năng suất lao động và giảm giá cước. Thời gian qua, tỷ trọng vận tải đường bộ đã bắt đầu giảm, đường thủy, đường sắt đang tăng thị phần.
Hàng không cũng đang tái cơ cấu, điển hình là đã cổ phần hóa Vietnam Airlines, hãng này cũng không tăng giá vé trong mấy năm qua. Bộ trưởng cho biết, so sánh chung giá cước hàng không của Việt Nam và khu vực, tuyến TP HCM - Hà Nội có giá vé cao nhất 2,8 triệu, trong khi chặng bay dài tương đương Phuket - Bangkok là 230 USD.
Theo ông Thăng, bộ mặt giao thông có cải thiện trong vài năm song chưa đáp ứng nhu cầu, còn 11 huyện đảo chưa có đường ôtô, chỉ huyện Cát Hải được đầu tư đường ra đảo. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Giao thông đang cố gắng tìm nguồn vốn đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải đã huy động nguồn lực xã hội cho đường giao thông với tổng vốn đầu tư đạt 160.000 tỷ đồng, bằng 60% vốn ODA. Việc chuyển giao nhà đầu tư khác cũng là một cách đột phá dựa trên cơ sở quy định hiện hành của Chính phủ.
"Cả nước có 524 km đường cao tốc, nếu chuyển nhượng đường thì ta có thể làm tiếp hơn 500 km nữa. Nhà đầu tư sẽ kế thừa toàn bộ dự án theo hợp đồng, nên không thể thu phí cao hơn", ông Thăng khẳng định.
Việc thu phí đường cao tốc, theo Bộ trưởng, được áp dụng theo quy định của pháp luật, chứ không phải thu tùy ý. Mức phí phụ thuộc vào lưu lượng xe, thời gian thu hồi vốn. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông hay đơn vị thuộc Bộ có thể ký hợp đồng với nhà đầu tư quy định mức thu phí cao hay thấp.
"Ban đầu có người nói mức thu phí cao tốc Lào Cai quá cao, nhưng con đường này giúp thời gian di chuyển giảm xuống còn một nửa, các chi phí khác giảm 30% trong đó có chi phí xăng dầu, đường đi thẳng và an toàn hơn. Từ khi có cao tốc, khách đi Lào Cai bằng tàu giảm một nửa, thay vì việc trước kia chờ mua vé tàu rất lâu”, ông Thăng nói.
Băn khoăn về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương yêu cầu làm rõ tuyến này sử dụng công nghệ như thế nào vì tiến độ chậm, đội vốn cao. Từ hôm tháp cẩu rơi xuống, ông và nhiều cử tri rất lo ngại, vì đường treo trên đầu hàng nghìn người. Nếu tàu rơi xuống đất thì là thảm họa.
"Bộ trưởng có cam kết đưa công trình vào khai thác tuyệt đối an toàn không, nếu không an toàn thì Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào, nếu đội vốn hơn nữa thì làm thêm hạng mục gì để không rơi xuống đất", ông Đương chất vấn. Câu hỏi của đại biểu Đương khiến hội trường bật lên tiếng cười.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình, dự án Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công với công nghệ mới nhất. Để đảm bảo an toàn, Bộ Giao thông đã phê duyệt biện pháp an toàn, nhất là thi công trong điều kiện giữa nội đô. Sau tai nạn, Bộ Giao thông đã cho dừng dự án để kiểm tra tổng thể, chỗ nào đảm bảo an toàn mới tái khởi động. Quá trình hoàn thành và khai thác, dự án sẽ phải nghiệm thu theo đúng quy định, việc khai thác cũng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn là số một, sau mới đến hiệu quả.
"Chúng tôi giám sát theo đúng tiêu chuẩn thiết kế, đảm bảo an toàn", ông Thăng cam kết. Sau khi Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thêm: "Đại biểu Đương có thể yên tâm đi lại".
Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc yêu cầu Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ và các địa phương trong xử lý xe quá tải. Những giải pháp hiện nay liệu có bền vững không trong khi doanh nghiệp vận tải chịu phí chính thức và không chính thức trên các tuyến đường?
Bộ trưởng Thăng cho hay, năm 2014 đã giảm xe quá tải nhờ việc ký cam kết chủ xe, chủ doanh nghiệp với cơ quan quản lý, tăng cường công tác đăng kiểm. Các cơ quan thực thi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ kết cấu hạ tầng. Nếu người dân và lái xe đồng thuận, cơ bản cuối năm 2015 sẽ không còn xe quá khổ quá tải.
Đại biểu Trương Thị Ánh đặt câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng như thế nào khi phần lớn công trình giao thông thường đội vốn cao nhưng chất lượng kém.
Giải đáp vấn đề, Bộ trưởng Giao thông xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm vì ngành sử dụng vốn đầu tư lớn nhất của người dân đóng góp. Bộ có giải pháp đột phá như xác định trách nhiệm với người đứng đầu, gắn trách nhiệm từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cục vụ, doanh nghiệp, công khai minh bạch từ công tác cán bộ, chủ trương đầu tư, đấu thầu, chọn nhà đầu tư, tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo có năng lực, tinh thần chống tham nhũng.
"Chúng tôi tăng cường kiểm tra giám sát các công trình từ các cơ quan, người dân, của đại biểu Quốc hội tại các địa phương", ông Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng cũng phủ nhận suất đầu tư cao tốc của Việt Nam là cao nhất thế giới. Theo Bộ Xây dựng thì giá đường cao tốc ở Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc, Nhật Bản. Ví dụ, có dự án giá thấp là Hà Nội - Thái Nguyên 4,19 triệu USD/km, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là 11,27 triệu do có vay vốn thương mại, dự án Bến Lứt - Long Thành giá 25,8 triệu do phải làm nhiều cầu. Ông Thăng cho rằng, đường đi qua nền đất yếu, phải giải phóng mặt bằng, làm nút giao, hầm dân sinh cũng làm gia tăng suất đầu tư.
"Chưa có nước nào có cao tốc như tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài 106 km mà có 10 nút giao, 107 hầm dân sinh, 22 cầu vượt bởi địa phương nào cũng yêu cầu làm nút giao", Bộ trưởng Thăng nói.
Cho rằng quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa hoàn thành cuối năm nay là nỗ lực lớn, nhưng đại biểu Phạm Văn Tấn phản ánh, dư luận lo lắng việc nâng đường mới cao hơn so với mặt cũ gây ra việc ngập và dễ xảy ra tai nạn giao thông. Bộ Giao thông có biện pháp khắc phục và trách nhiệm thế nào nếu để xảy ra hậu quả tai nạn.
Ông Thăng cho rằng để thi công dự án phải có sự thoả thuận của nhà đầu tư, ban quản lý dự án, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số dự án chưa phối hợp tốt nên đã gây phiền hà cho người dân. Ông Thăng nói sẽ tăng cường đôn đốc các đơn vị cam kết với người dân để có dự án tốt hơn, đồng thời tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh.
"Mở rộng quốc lộ 1, chúng tôi đã cố gắng hạn chế ảnh hưởng đến người dân, song có đoạn tuyến phải nâng cấp để tránh ngập lụt như đoạn Vinh - Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tôi hết sức chia sẻ với đại biểu Tấn, việc triển khai đã tính thiệt hại thấp nhất của người dân, hạn chế nâng cao độ đường", ông Thăng bày tỏ.
Đại biểu Đặng Kim Chi phản ánh các đèo nằm ở hai đầu của tỉnh Phú Yên là đèo Cả và Cù Mông tương đối nguy hiểm, đường dài và quanh co, thường xảy ra sụt lở nhất là mùa mưa. Theo phản ánh của nhiều người thì đường ở đèo Cả chưa thông nhưng đã có hai trạm thu phí.
Bộ trưởng Thăng cho biết, đèo Cả đã đầu tư hình thức BT, và BOT, song vốn rất lớn nên phải huy động cả vốn ngân sách. Bộ Giao thông đã thống nhất cho phép thu phí hai đầu như phần đóng góp của nhà nước với thời gian thu phí phù hợp với quy định. Nếu không có thu phí thì dự án đèo Cả sẽ khó hoàn thành đúng kế hoạch.
Về chiến lược cho đường sắt, Bộ trưởng Thăng cho biết, đường sắt Bắc Nam cũ sẽ được nâng công suất lên 80-90 km/h, xây dựng thêm đường sắt khổ đôi tốc độ dưới 200 km/h, để có thể "sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê ở TP HCM như đại biểu Lịch nói". Với tuyến đường sắt tốc độ, Bộ Giao thông sẽ chọn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang đầu tư trước để phù hợp điều kiện kinh tế.
Đoàn Loan - Hương Thu