Đăng đàn trong phiên chất vấn ngày 5/6, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhận được nhiều chất vấn liên quan đến vấn đề đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, đề cập đến tình trạng nhiều lao động xuất khẩu trốn việc ra làm ngoài hoặc ở lại nước bạn không hợp pháp và đề nghị ông Dung cho biết giải pháp.
Trả lời chất vấn này, ông Đào Ngọc Dung nói Việt Nam đặt ra mục tiêu đưa khoảng một triệu lao động đi lao động, học tập ở nước ngoài; đến nay đã có khoảng 500.000 người, riêng năm 2017 đưa được 134.000 người.
“Chúng ta đã nối lại được thị trường Hàn Quốc sau nhiều năm gián đoạn, và lần đầu tiên ký kết cấp quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản. Việt Nam cũng là nước duy nhất Nhật Bản ký hiệp định về lao động cấp quốc gia. Hiện mỗi năm lĩnh vực xuất khẩu lao động giải quyết hơn 100.000 lao động và bình quân thu về xấp xỉ 3 tỷ USD. Tỉnh Nghệ An là địa phương thu cao nhất hiện nay với 250 triệu USD mỗi năm”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lao động, tỷ lệ lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước còn cao, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc khi năm cao nhất lên đến 55% (bình quân các nước khác là 15%). Gần đây, sau 3 năm kiên trì thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ lao động Việt Nam vi phạm ở Hàn Quốc được rút xuống còn 33%. Chính vì vậy mới đây Hàn Quốc đã ký lại bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.
Đưa ngư dân đi xuất khẩu lao động chỉ là giải pháp tình thế
Đại biểu Nguyễn Văn Man nêu chất vấn, vì sao thời gian qua lao động ở một số tỉnh bị dừng đi làm việc ở Hàn Quốc?. Bộ trưởng Dung khẳng định "đây không phải chủ trương của chúng tôi" và lý giải, nhiều địa phương có người đi xuất khẩu lao động nhưng hết thời hạn hợp đồng đã trốn ở lại. Vì vậy phía Hàn Quốc không đồng ý tuyển dụng lao động từ những địa phương đó.
Trước tình hình trên, Bộ Lao động đã cố gắng thuyết phục phía Hàn Quốc, trong đó riêng thời gian xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra, Bộ đã đàm phán với Hàn Quốc nhận lao động làm nghề đánh bắt xa bờ ở các huyện bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Phát biểu sau đó, ông Dương Trung Quốc nói Bộ trưởng lấy minh chứng đưa người lao động ở khu vực ảnh hưởng sự cố Formosa đi Hàn Quốc "như một thành tích", tuy nhiên trong tương lai, Bộ có chính sách gì để khuyến khích ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?.
Thừa nhận đây là vấn đề một mình Bộ Lao động không làm được, ông Đào Ngọc Dung giải trình thêm, việc đưa lao động vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do Formosa gây ra là “giải pháp tình thế”.
“Việc cố gắng đưa 18.000 lao động ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đi lao động ở nước ngoài chỉ là tình thế, về lâu dài phải ổn định công ăn việc làm cho người dân tại địa phương", ông Dung nói.
Tư lệnh ngành lao động còn thông tin, sau kỳ họp này, Bộ Lao động sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp về chiến lược biển với những vấn đề cụ thể liên quan đến nghề biển, tàu đánh cá…
Đại biểu Phùng Thị Thường nêu chất vấn về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động khu vực FDI, trước xu hướng lao động ở khu vực này bị thất nghiệp sau 35 tuổi đang gia tăng, nhất là lao động nữ.
Ông Đào Ngọc Dung cho hay, hiện có khoảng 2,68 triệu người lao động đang làm việc trong khu vực FDI, mức lương bình quân 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
“Tôi khẳng định không có việc các doanh nghiệp FDI sa thải số người tuổi từ 35 trở lên với tỷ lệ lên đến 80%. Qua khảo sát thì tỷ lệ này vào khoảng 1,9%”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Theo ông, Bộ Lao động đang xây dựng đề án đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, người lao động khu vực FDI khi thất nghiệp hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển nghề cho công nhân khi thay đổi cơ cấu sản xuất.
Sáng mai 6/6, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Xem thêm: Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt với tội xâm hại trẻ em
Xem diễn biến chính