-
11h20
Đóng BHXH 20 năm thì lao động không chờ đợi được
Bà Nguyễn Thị Thanh Cầm (Thường trực Ủy ban Xã hội) đề nghị Bộ trưởng cho biết Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ khắc phục thế nào để rút ngắn tỷ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ? Giải pháp căn cơ hạn chế rút BHXH một lần?
Ông Dung cho biết dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới lấy ý kiến xong, đang hoàn thiện để sớm trình cấp có thẩm quyền. Sau hai tháng, dự thảo tiếp nhận hơn 380 ý kiến của các đơn vị, cá nhân. Có ý kiến hỏi vì sao không tiến tới tiệm cận tuổi hưu với tuổi nghề, tuy nhiên tuổi nghề khác tuổi hưu. Ví dụ như tuổi nghề xiếc chỉ 30 nhưng tuổi hưu tới 60 thì phải đào tạo chuyển đổi nghề. "Chính sách hỗ trợ lao động, đặc biệt là công nhân nữ khi họ còn đi làm quan trọng hơn là chính sách lương hưu", ông Dung nói.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM) nêu thực trạng làn sóng rút BHXH một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin sắp sửa luật. Theo bà, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, lớn nhất là công nhân bất an với sự ổn định của chính sách BHXH.
"Công nhân coi BHXH như của để dành nhưng lo sợ chính sách mới làm hạn chế quyền tự quyết với món tiền của mình và lương hưu sau này không đủ sống. Giải pháp xử lý vấn đề này ra sao?", bà Thúy chất vấn.
Ông Dung cho biết trước năm 2019, số lao động rút BHXH bình quân mỗi năm 500.000 người, nay đã lên tới 900.000 người. Người rời đi tương đương với số tham gia trở lại khiến nguy cơ hiện hữu là không đảm bảo an sinh cho người già và hệ thống không bền vững.
Bộ trưởng nêu bốn lý do khiến lao động chọn rời bỏ hưu trí. Thứ nhất, vì thu nhập thấp và đời sống khó khăn. Hai là không có nước nào cho rút BHXH một lần dễ như Việt Nam. "Tôi đã mời cả chuyên gia quốc tế về bày mưu tính kế để hạn chế tình trạng này. Vị này nói Việt Nam rất hào phóng trong việc cho hưởng lương hưu tối đa 75% và cho rút BHXH một lần, giờ sửa rất khó. Quốc tế chỉ cho rút khi lao động mắc bệnh nan y và định cư nước ngoài", ông nói, thêm rằng luật đã cho rút thì giờ khó mà cấm được.
Ba là, quyền lợi khi rút BHXH một lần rất cao. Lao động chỉ đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của doanh nghiệp và nhà nước. Bốn là việc tổ chức tuyên truyền chưa tốt.
Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nói nếu lao động rút bảo hiểm do tuyên truyền thì các đơn vị sẽ tiếp thu để điều chỉnh. Nhưng lao động ở TP HCM mong muốn chính sách bảo hiểm xã hội phải nhất quán, ổn định lâu dài. "10 năm sửa luật lại có phương án về bảo hiểm xã hội khác đi, dẫn đến sự không an tâm của người lao động về đóng bảo hiểm xã hội, nên họ phải tính toán với việc rút một lần. Bộ trưởng nói sửa luật theo hướng tăng quyền lợi, vậy đó là quyền lợi gì", bà Thúy chất vấn.
Đáp lại, ông Dung nói trong các hạn chế thì có việc chưa quan tâm đầy đủ tuyên truyền với người lao động, vì nếu làm tốt thì chắc chắn thời gian qua tình trạng rút BHXH một lần không như vậy. Do đó, các chính sách phải mang tính tổng thể.
"Người lao động nếu cứ đóng 20 năm thì họ không chờ đợi được đâu, tôi xin nói thật như thế", ông Dung nói, phân tích rằng với ngành thâm dụng lao động, kéo dài đóng bảo hiểm xã hội 20 năm mà với nam đủ 62 tuổi mới nghỉ hưu thì rất khó. Ông muốn giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm hoặc còn 10 năm, nhưng nguyên tắc là đóng ít thì sẽ hưởng ít.
Bộ trưởng cho rằng dù bàn nhiều giải pháp, tình trạng rút bảo hiểm một lần rất khó dừng lại.
-
11h00
'Không đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá'
Đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nâng cao chất lượng lao động của người Việt Nam ở nước ngoài?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận công nghệ, tác phong làm việc mới. Năm 2022, Việt Nam có 142.000 lao động đi nước ngoài, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, ba nước trả thu nhập cao như Đức (2.500 Ero), Hàn Quốc (1.800 USD), Nhật Bản (1.500 USD), còn các nước khác chỉ 600-700 USD.
Các nước đều đánh giá lao động Việt Nam có ý thức, kỹ năng, hiệu suất công việc tốt, nhưng ngoại ngữ còn kém, tổ chức kỷ luật của một bộ phận không tốt (trốn ở lại, đánh nhau, vi phạm pháp luật). "Không đưa lao động đi nước ngoài làm việc bằng mọi giá. Nếu không có môi trường tốt, thu nhập cao thì không đưa. Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động đi và về. Người lừa đảo lao động đi nước ngoài sẽ bị xử lý", ông Dung nói.
Đại biểu Trần Quang Minh nói việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động tại nước ngoài ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia và nhiều lao động khác có ý định xuất khẩu lao động. Dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước là thị trường xuất khẩu lao động sôi động. "Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp gì?", ông Minh hỏi.
Bộ trưởng Dung cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rồi ở lại, không về nước theo đúng thời gian hiện nay không bức xúc bằng năm 2017. Thời điểm đó, ông cũng trả lời chất vấn Quốc hội, đã báo cáo gần 52,5% lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến nước này dừng nhận lao động Việt Nam.
Sau đó, Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp, phía nước bạn xử lý hình sự những người trốn ở lại. Đến nay, theo yêu cầu của Hàn Quốc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dừng xuất khẩu lao động ở 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ lao động trốn ở lại nhiều, dó đó, chỉ còn 24,6% lao động hết hợp đồng không về nước.
-
10h40
Ra hơn 200 quyết định xử phạt sai phạm về bảo hiểm
Đại biểu Lý Văn Huấn (Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên) phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hiện nay rất phức tạp, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp xử lý và biện pháp ngăn ngừa.
Theo ông Dung, tình trạng trốn đóng, hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi, mạo danh đã được xử lý quyết liệt. Thanh tra của Bộ đã kiểm tra 992 đơn vị, xử lý gần 3.000 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt. Trong kế hoạch 2023, Bộ đã dành 1/3 số đoàn để thanh tra xử lý vi phạm về BHXH.
Đến nay, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã giảm. Năm 2022 chỉ còn hơn 3%. Thời gian tới, Bộ tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật của người sử dụng lao động và lao động; sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, nghị định xử phạt; tăng thanh tra, kiểm tra; tập trung ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các loại bảo hiểm với cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch hóa thông tin đối với người lao động.
-
10h30
Đề xuất gói hỗ trợ trực tiếp cho lao động
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Phó đoàn Bình Định) cho biết không phản đối các con số lao động mất việc, thất nghiệp mà Bộ trưởng nêu ra. Tuy nhiên, sau lưng mỗi lao động mất việc là gia đình và nhiều vấn đề xã hội khác. "Có ý kiến cho rằng khó khăn mà lao động gặp phải hiện nay còn hơn giai đoạn Covid-19. Vậy giai đoạn hiện nay có cần các gói hỗ trợ trực tiếp lao động như trong đại dịch hay không?", bà đặt vấn đề.
Bộ trưởng Dung thừa nhận dù lao động có khoản tích lũy, nhưng thời gian qua đã sử dụng hết nên cuộc sống trở nên khó khăn. "Chúng tôi đang đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng thực trạng, dự báo chính xác từ nay đến hết năm và năm sau để có chính sách dài hạn và ngắn hạn", ông Dung nói, cho biết hiện chưa thể đưa ra chính sách cụ thể.
-
10h20
Ban hành đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm trong quý 3
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Thường trực Ủy ban Pháp luật) nói Bộ Lao động Thương binh Xã hội chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bà đề nghị chỉ rõ vướng mắc và giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết việc xây dựng đơn giá tư vấn giới thiệu việc làm cần tính đúng, tính đủ, phù hợp nhu cầu thị trường lao động và từng vùng, miền. Bộ đã giao đơn vị chức năng khảo sát, đo đạc thực tế, xin ý kiến chuyên gia, thành lập định mức đơn giá. "Chúng tôi nhận lỗi là có chậm", ông nói, cho biết trong quý 3, Thứ trưởng Lao động Thương Minh và Xã hội cùng đơn vị trực thuộc nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì "phải có trách nhiệm".
-
10h10
Vì sao kinh tế khó khăn nhưng tỉ lệ thất nghiệp thấp?
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Phó Vụ trưởng Văn hóa Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) nêu thực trạng năm 2023, nền kinh tế đứng trước nhiều thử thách, thị trường lao động chịu nhiều rủi ro. Bên cạnh khó khăn kinh tế, tình trạng mất việc làm diễn ra nhanh chóng quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội gửi đại biểu cho thấy số lượng thất nghiệp của Việt Nam thấp. Lao động thôi việc, mất việc là 279.000 người; lao động bị ngừng, nghỉ việc không lương là 17.000. "Đề nghị Bộ trưởng giải trình cách đánh giá, số liệu đã sát với tình hình hay chưa?", bà Tuyết Nga chất vấn.
Đáp lại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam 2,25% "là thấp". "Đánh giá này hoàn toàn khách quan, khoa học, dựa trên tiêu chí cụ thể quốc tế đưa ra", ông Dung nói.
Theo ông, tỷ lệ thất nghiệp dựa trên cơ sở người lao động có nhu cầu làm việc nhưng không có việc làm hoặc không làm việc một giờ trong tuần; họ sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm, đang tìm việc. Tổng cục thống kê Việt Nam đang mở rộng thêm một số tiêu chí.
-
10h00
Năng suất lao động Việt Nam không thấp hơn Lào, Campuchia
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng lý giải nguyên nhân người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng năng suất lao động không thoát khỏi vùng trũng ASEAN và ngang bằng các nước thế giới?
Bộ trưởng Dung cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó hai yếu tố chủ đạo là vốn, công nghệ và kỹ năng, trình độ của lao động. "Tôi không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước xung quanh chúng ta như Lào, Campuchia", ông Dung nói.
Theo ông, lao động Việt Nam phân bổ khu vực nông nghiệp cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thấp. Quy mô lao động Việt Nam lớn, đáng lẽ một việc một người làm nhưng phải san sẻ ra bốn, năm người làm. Thời gian tới, thị trường lao động sẽ được cơ cấu lại, nâng cao chất lượng và hạn chế ngành nghề thâm dụng lao động.
-
9h50
Chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi vụ thu sai BHXH
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc thu bảo hiểm bắt buộc sai đối với chủ hộ kinh doanh cho thấy cơ quan bảo hiểm đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người dân. "Việc thu sai đối tượng trong thời gian quá dài, có người đóng 20 năm. Vậy có tiêu cực trong thu BHXH không? Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm", đại biểu đặt câu hỏi.
Ông Dung khẳng định việc thu sai BHXH bắt buộc là sai về chủ trương. "Tôi đã báo cáo rất rõ là trách nhiệm thuộc về BHXH Việt Nam và đặc biệt BHXH các địa phương", ông nói, cho biết Bộ đã làm việc với BHXH VIệt Nam đề nghị chấn chỉnh. Thời gian qua, do còn vướng mắc, các trường hợp thu sai chưa được giải quyết. Các địa phương đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh.
Tám đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ đến các địa phương, có nơi báo cáo 62 trường hợp, nhưng khi kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp. Như vậy đã giải quyết về căn bản.
"Chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi, nhưng sai là có", Bộ trưởng cho hay. Bộ Lao động Thương binh Xã hội dự kiến khi xây dựng pháp luật sẽ đưa nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện đóng bảo hiểm bắt buộc. Nếu được Quốc hội cho phép, Chính phủ sẽ thực hiện biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có cộng nối thời gian đóng bảo hiểm nếu người dân có nhu cầu chuyển sang bảo hiểm bắt buộc hoặc tự nguyện.
-
9h20
Việt Nam thiếu một triệu lao động lĩnh vực công nghệ thông tin
Đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đăk Lăk) nói cả nước đang thiếu khoảng một triệu lao động công nghệ thông tin. "Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiện nay, giải pháp nào để bù đắp lực lượng còn thiếu này. Hệ thống các trường dạy nghề hiện nay đáp ứng được ở mức độ nào?", bà đặt câu hỏi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì Việt Nam vẫn thiếu lực lượng. Thủ tướng cũng đề ra 5 giải pháp để khắc phục, trong đó các đại học mở Khoa Công nghệ Thông tin, 45 trường giáo dục chất lượng cao cũng mở các khoa về lĩnh vực này.
"Ta sẽ có kế hoạch bài bản để bổ sung lực lượng cho kịp yêu cầu, đảm bảo nhanh chóng chuyển đổi số", ông Dung nói.
-
9h10
Cơ hội nào cho lao động nữ trên 40 tuổi?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) băn khoăn về cơ hội việc làm với lao động nữ trên 40 tuổi nếu thất nghiệp. "Đây là nhóm có nguy cơ cao rút BHXH một lần, Bộ trưởng có biện pháp nào hỗ trợ họ?", bà Thủy đặt câu hỏi.
Ông Dung kể một tháng trước đi kiểm tra và ăn bữa cơm công nhân, ông thấy trên 80% lao động da giày, dệt may là nữ. Mất việc, giãn việc hay trong số hàng triệu công nhân chạy dịch, phần lớn là lao động nữ. Để đảm bảo cơ hội việc làm cho lực lượng này, cần phải chăm lo đào tạo ngay từ khi chưa thất nghiệp bởi nếu đợi đến khi họ 40 là đã mắt mờ, chân chậm, dễ bị chủ sử dụng cắt giảm.
Theo ông, cần thực hiện đồng bộ giải pháp: hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo thêm việc làm, thêm phúc lợi như trường học, nhà trẻ cho con em công nhân, đào tạo sớm để nâng cao cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nữ thích ứng trong bối cảnh mới.