Quan điểm nêu trên được người đứng đầu ngành công thương nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tập đoàn về hiện trạng môi trường tại các nhà máy xi măng, điện, than... ngày 6/10.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ông cảm thấy không vui khi gần đây báo chí, dư luận phản ánh thực tế việc các dự án điện đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. “Là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn, các đồng chí đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, ô nhiễm ung thư… chua xót lắm. Bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về điều này, chúng ta không đánh đổi cái gì cả”, Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Theo kế hoạch, ngày 7/10, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ tham gia đoàn công tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra tổng thể các nhà máy xi măng, nhiệt điện… được phản ánh là có nguy cơ gây ô nhiễm. Đánh giá sự vào cuộc của các đơn vị chức năng như vậy là kịp thời, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vẫn chưa mấy yên tâm.
Ông cho rằng, Formosa cần được coi là bài học để các đơn vị ngành tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy của mình. "Sử dụng tài nguyên có hiệu quả nhưng không phải bằng mọi giá, không đánh đổi hay hủy hoại môi trường bởi đó là tội ác. Tôi sẽ kiên quyết đóng cửa nhà máy nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, hại dân sinh”, ông nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu ngay sau cuộc họp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải ký cam kết giải quyết triệt để những bức xúc mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua.
“Lời hứa cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu chúng ta không làm, không thực hiện lời hứa chúng ta sẽ mất niềm tin trong dân chúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cơ quan này đã rà soát và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, nhiệt điện, hóa chất, các doanh nghiệp có hoạt động xả thải ra sông, ven biển… Kết quả thực tế tại 29 cơ sở cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động, giấy phép xả thải….
Tuy nhiên, vẫn còn có dự án dù đã vận hành như Nhôm Lâm Đồng, Nhiệt điện Vũng Áng - Petrovietnam, Nhiệt điện Duyên Hải 1… nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Hay một số doanh nghiệp thay đổi các hạng mục bảo vệ môi trường trong báo cáo ĐTM, chưa thông báo cho cơ quan phê duyệt biết hoặc đã thông báo nhưng chưa được chấp thuận…
Trước phản ánh của người dân về hiện tượng “khói đen kịt ở miệng ống khói” tại một số nhà máy nhiệt điện, ông Lượng lý giải, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu (FO, HFO), hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, nên người dân quan sát thấy hiện tượng này. Trong số các nhà máy nhiệt điện than hiện nay có 2 nhà máy Nhiệt điện Duyên hải 1 – EVN và Vũng Áng – Petrovietnam đang sử dụng nước làm mát là nước biển để xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giảm thiểu hiện tượng trên.
Đối với xử lý các chất thải nguy hại, ông Lượng cho biết doanh nghiệp đều đã thuê đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý nhưng hầu hết đều mắc lỗi trong quá trình thu gom, phân loại, xử lý sau thu gom… không đúng quy định.
“Hầu hết các công ty luyện thép đều vi phạm về thu gom và lưu trữ đối với bụi lò luyện thép, do lượng phát sinh lớn khoảng 100.000 tấn một năm mà năng lực tiếp nhận, xử lý của các công ty xử lý trong nước hạn chế”, vị Cục trưởng Cục An toàn môi trường chia sẻ.
Trước thực tế tồn tại trong xử lý chất, khí thải tại các dự án điện, nhiệt điện, khoáng sản… Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về công tác môi trường; tăng cường quản lý và lắp đặt hệ thống quan trắc online nước thải, khí thải tại các dự án.
Ông cũng yêu cầu chủ đầu tư các dự án đang gây ô nhiễm phải tăng cường kiểm soát chất lượng và thực hiện đầy đủ các cam kết đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM… Đồng thời, nhà thầu và chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết của ĐTM trong giai đoạn vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi bàn giao, thông báo rộng rãi đến chính quyền, người dân địa phương để cùng giám sát.