-
11h30
Phiên chất vấn trên nghị trường sáng 30/10 kết thúc lúc 11h30. Chiều nay Quốc hội tiếp tục làm việc từ 14h.
-
11h05
Ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp 'rất nan giải'
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Trường Giang về ô nhiễm làng nghề, Bộ trưởng Tài nguyên & môi trường Trần Hồng Hà nói, ô nhiễm làng nghề, khu công nghiệp, cụm công nghiệp là vấn đề bức xúc từ kỳ họp thứ 3.
Ông Hà cho biết, đến nay cơ quan chức năng đã rà soát, nhận diện các loại hình làng nghề gây ô nhiễm; yêu cầu lộ trình xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Hiện 80% khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống hạ tầng, 10% lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
"Khu công nghiệp có bước tiến đáng kể song cụm công nghiệp "rất nan giải" do nguồn lực đầu tư, nhân lực... hạn chế", ông Hà nêu.
Về giải pháp, Bộ trưởng Tài nguyên cho biết, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định kiểm soát khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Cùng đó, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác quản lý môi trường tại các cụm công nghiệp, bởi tại đây đang xuất hiện những cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tái chế. Nhiều cụm công nghiệp lại có người dân sinh sống bên cạnh, nếu không được xử lý vấn đề môi trường thì sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Với những giải pháp tích cực trong thanh, kiểm tra, Bộ trưởng Hà kỳ vọng, "đến cuối nhiệm kỳ bất kỳ làng nghề, khu công nghiệp nào cũng đảm bảo vấn đề môi trường".
-
10h55
Bộ trưởng Tài chính: Sẽ trình cấp có thẩm quyền ban hành thuế tài sản
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính giải pháp quan trọng nhất để thực hiện chính sách về thuế, đảm bảo hài hoà lợi ích của người nộp thuế và nhà nước.
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện cắt giảm thuế quan do hội nhập, giảm thu từ ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm..., việc điều chỉnh lại chính sách thuế là hợp lý. Trong đó có giải pháp điều chỉnh, bổ sung 8 loại thuế: thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, kể cả trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành thuế tài sản...
Qua đánh giá, trong chính sách thuế hiện còn lồng ghép nhiều ưu đãi, an sinh xã hội... Vì thế, Bộ Tài chính đang tổng kết đánh giá các loại thuế này với tinh thần "điều chỉnh chính sách thuế đảm bảo tính trung lập, mở rộng cơ sở thu của thuế, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh và các sắc thuế điều chỉnh phải phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
-
10h45
"Không có vấn đề gì lớn với thị trường ôtô"
Đại biểu Cao Đình Thưởng đề cập tới vấn đề xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN về Việt Nam ồ ạt, thuế nhập khẩu đã về 0% song "giá xe không giảm mà thậm chí còn cao".
Ông cho rằng nếu tình trạng này tiếp diễn thì Nhà nước thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt, chỉ doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng lợi, "trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương thế nào?".
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, quá trình tham gia hội nhập có hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều cam kết giảm thuế quan, đơn giản thủ tục hành chính... FTA ký với ASEAN có hiệu lực từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu với ôtô về 0%.
"Đây là cam kết của các nước thành viên để tiếp cận thị trường. Chúng ta đã tính toán kỹ trong đàm phán để đảm bảo lợi ích quốc gia, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp sản xuất", ông Tuấn Anh khẳng định.
Bên cạnh việc giảm thuế thì có những điểm khác tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đây là điểm tạo cân bằng khi tham gia các FTA.
Ông Tuấn Anh khẳng định, nhập khẩu ôtô từ ASEAN không tăng đột biến so với các năm; quy mô thị trường nội địa 500.000 xe và nhập khẩu hàng năm khoảng 200.000 xe, còn lại là lắp ráp trong nước. "Không có vấn đề gì lớn với thị trường ôtô nội địa và nhập khẩu", ông nói.
Chưa hài lòng, ông Thưởng tranh luận lại với việc dẫn ý kiến cử tri cho rằng "khi thuế về 0% thì kỳ vọng giá xe sẽ giảm khoảng 30% nhưng thực tế người mua xe vẫn phải mua với giá đắt hơn". Đại biểu nhắc lại câu hỏi: "Nhà nước có thất thu thuế năm 2018 không? Người dân có bị thiệt hại không và ai chịu trách nhiệm? Doanh nghiệp có được lợi hay không?".
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính trả lời đại biểu Thưởng bằng văn bản.
-
10h35
Dự án Khu ĐH Quốc gia Hà Nội đang 'rất khó khăn về vốn'
Trả lời câu hỏi của đại biểu về dự án Khu ĐH Quốc gia Hà Nội chậm tiến độ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, chủ trương quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc; khu ĐH Quốc gia Hà Nội và Khu Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam đã có hơn 20 năm. "Việc quy hoạch xây dựng cụm khu này rất quan trọng, hiệu quả về lâu dài", ông Đam nói.
Với khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc, từ 2014 - 2015 Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung xử lý quyết liệt, hiện còn 200 ha chưa giải phóng mặt bằng trên tổng số 1.500 ha. Ngoài ra, Chính phủ đã tìm được 200 triệu USD vốn ODA xây dựng hạ tầng khu vực này. Đến giờ đã hình thành 3 khu chức năng: công nghiệp, nghiên cứu phát triển và đào tạo.
Khu công nghiệp đã "rất tấp nập". Sau 2 năm thu hút được 66 dự án trên 3 tỷ USD; khu nghiên cứu phát triển đang tích cực triển khai, chuẩn bị xúc tiến đầu tư và lựa chọn các dự án có công nghệ thực sự sáng tạo, đổi mới tạo sự lan toả. Khu Đào tạo hiện đã có một số trường đại học như Đại học FPT, Đại học Việt Pháp...
"Khu công nghệ cao Láng Hoà Lạc hiện đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất và sẽ làm tốt", Phó thủ tướng nói.
Với khu ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đang khó khăn về vốn, vài năm qua rót được vài chục tỷ, trong khi ước tính tổng vốn cần là 2 tỷ USD. Hiện Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và các bộ tìm nguồn vốn để tập trung đầu tư.
Còn khu Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam mới triển khai một số hạng mục, kinh phí đầu tư khoảng 38% so với nhu cầu. Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại toàn bộ quy hoạch, trên tinh thần giữ nguyên mục đích Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam nhưng sẽ quy hoạch lại.
"Ba khu này nếu làm tốt sẽ có hiệu quả rất lâu dài", ông Đam nhấn mạnh.
-
10h20
Trả lời câu hỏi của đại biểu về lĩnh vực điều tra tội phạm, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ tiếp tục tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, trang bị cho lực lượng điều tra để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; bố trí phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình; triển khai tổng kiểm tra các vụ tạm đình chỉ điều tra vừa; tiếp tục thực hiện các giải pháp chống bức cung, nhục hình....
-
10h20
Tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người nghèo
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc giải quyết nhà ở cho người có công, người nghèo đã có kết quả tích cực, nhưng nhà ở công nhân còn khiêm tốn. Ông đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, vừa qua các cấp các ngành địa phương thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có 1,8 triệu m2 cho hộ nghèo đô thị. "Tuy cố gắng nhiều nhưng so với yêu cầu thì còn thấp, vì yêu cầu là 10 triệu m2 theo chiến lược nhà ở quốc gia. Thực tế cung cầu nhà ở chỗ này đang thiếu gay gắt", ông Hà nói.
Ông Hà cho biết, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về giải pháp thúc đẩy nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở đô thị; Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân. "Nếu làm tốt cái này thì sẽ có sự chuyển biến mới", Bộ trưởng Xây dựng khẳng định.
Giải pháp đột phá được ông Hà nêu lên là "bố trí đủ vốn theo quy định của luật để hỗ trợ người vay mua nhà, trong đó có công nhân. Kế hoạch đầu tư trung hạn mới bố trí chưa đầy 1.200 tỷ, trong khi đó nhu cầu thực tế là khoảng 9.000 tỷ đồng".
-
10h12
Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo từ cơ sở
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu chất vấn về việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Trả lời, ông Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung làm tốt các công việc liên quan đến lĩnh vực này; đến nay tuy số đơn khiếu nại tăng, nhưng đoàn khiếu nại đông người năm 2018 không tăng so với năm 2017.
Thanh tra Chính phủ đã tham mưu đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân; phối hợp với các đơn vị để tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo.
"Giải pháp đột phá là phải giải quyết dứt điểm từ cơ sở", ông Khái nói và cho biết theo quy định thì giải quyết lần 1, lần 2 là hết thẩm quyền, người dân có thể kiện ra toà hành chính, "nhưng hiện giải quyết lần 2 rồi người dân ngại ra toà mà tổ chức khiếu nại vượt cấp".
"Chúng tôi đã ban hành kế hoạch trong đó phân cấp rõ giữa trung ương và địa phương, nếu được Thủ tướng chấp nhận thì việc giải quyết khiếu nại tố cao thời gian tới sẽ có hiệu quả hơn", ông Khái nhấn mạnh.
-
10h12
Bao giờ trả lại màu xanh cho sông Nhuệ, sông Đáy?
Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Trần Tất Thế gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng hà, đề nghị cho biết giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ, sông Đáy. Ông nhắc lại trước đây Bộ trưởng Tài nguyên hứa "trả lại màu xanh cho 2 dòng sông này sau 5 năm, nhưng tới giờ vẫn chưa sạch". "Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào?", ông Thế đặt vấn đề.
Trả lời đại biểu, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh, quan điểm là phải xử lý tại nguồn; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm xử lý. Hiện đã có đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ và sông Đáy. Trong thực tế đây 2 con sông này liên quan tới nhiều địa phương như Hoà Bình, Hà Nam, Hà Nội... "Địa phương phải đánh giá các nguồn thải, xác định công nghệ xử lý", ông nói.
Bên cạnh kết quả thời gian qua, ông Hà thừa nhận, việc bố trí nguồn lực và công nghệ xử lý cụ thể chưa xác định rõ, chưa đáp ứng yêu cầu.
Về chi phí xử lý, theo Bộ trưởng Hà, ngoài vốn Nhà nước thì có thể xã hội hoá. Hiện nhiều doanh nghiệp muốn tham gia, song cơ chế lựa chọn đối tác công tư khá phức tạp, làm chậm việc thu hút nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường rà soát lại trách nhiệm của Bộ, địa phương trong phối hợp xử lý tình trạng ô nhiễm tại 2 con sông này.
-
10h05
"Tham nhũng đã được đẩy lùi"
Đại biểu Trần Văn Mão chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về công tác phòng, chống tham nhũng. Dẫn báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho rằng, bên cạnh tham nhũng vặt thì tham nhũng tại các doanh nghiệp sân sau, nhóm lợi ích đang gây bức xúc, ông Mão nêu câu hỏi: "Giải pháp của Thanh tra Chính phủ là gì để đẩy lùi bức xúc này?",
Ông Lê Minh Khái khẳng định với kết quả đạt được thời gian qua thì tham nhũng đã được ngăn chặn, đẩy lùi, chiều hướng thuyên giảm; tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp do vậy các cơ quan chức năng tiếp tục xem đây là trọng tâm, tập trung đẩy mạnh các giải pháp phòng chống.
Về giải pháp, ông Lê Minh Khái đề cập đến việc tuyên truyền để người dân nắm vững pháp luật; sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp về phòng ngừa, về xử lý việc kê khai tài sản không đúng...