Bên cạnh câu chuyện thu mua nông sản, một trong những chủ đề được đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng sáng 1/4 là các câu hỏi liên quan đến ngành điện, đặc biệt là việc cung ứng điện cho nông - ngư nghiệp.
Theo đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh), năm 2014, tỉnh dự kiến mở rộng chăn nuôi thuỷ sản nhưng nguồn điện hiện chưa thể đáp ứng. “85% tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản phải dùng máy nổ, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Xin hỏi Bộ trưởng giải pháp hỗ trợ và chủ trương đầu tư cho ngành điện ở Trà Vinh như thế nào”, ông Dư băn khoăn.
Tình hình thiếu điện sản xuất tiếp tục được đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phản ánh khi sản lượng cung cấp cho việc trồng thanh long trái mùa tại tỉnh giảm 50%.
Trước những bức xúc này, Bộ trưởng Công Thương cho biết “đã nắm được từ những năm trước”. Tuy nhiên, thực tế ngành điện đang khó khăn về quy hoạch, đầu tư đường dây và trạm biến thế, trong khi nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản tăng nhanh. "Tổng công ty điện lực miền Trung và miền Nam phải vay vốn ngân hàng những vẫn không đủ”, ông Hoàng nói.
Theo lộ trình, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, tổng kinh phí đưa điện vào vùng nông thôn và khu vực chưa có điện xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA chiếm 85% vốn đầu tư, chủ đầu tư tự cân đối 15%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương, “ngân sách chưa chi một đồng nào cho việc này”.
Trước chất vấn đến cùng của một số đại biểu về việc khi nào tình trạng thiếu điện sẽ chấm dứt, ông Hoàng cho hay “sẽ cố gắng hết sức”, nhừng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng vốn cho nhà đèn. Đây không phải lần đầu tiên vấn đề thiếu vốn của ngành điện được đề cập. Trước đó, tại nhiều hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần đưa ra lý do thiếu vốn để xin điều chỉnh giá điện.
Cũng tại phiên làm việc, dựa trên tài liệu đã chuẩn bị trước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về việc EVN đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất điện. "Bộ trưởng nói đang chờ Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án điện. Tôi muốn biết quan điểm của Bộ trưởng trong việc xử lý thế nào?", đại biểu hỏi.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Đà Nẵng, Bộ trưởng Công Thương cho biết trong 6 Dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có dự án Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, đây là dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết.
Có một số số dự án có biệt thự phục vụ cho chuyên gia nước ngoài để họ bám công trường, nhưng theo Bộ trưởng Hoàng là “rất là hạn chế”. “Trong 6 dự án, đến nay mới duy nhất có dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng một năm”, ông Hoàng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, Bộ Tài chính đã dự thảo xin ý kiến các bộ và Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời về việc EVN tính toán nhà biệt thự vào giá điện.
Hoàng Lan