Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh. |
- Đến nay, Bộ Công an đã có 2 thứ trưởng bị xử lý kỷ luật do liên quan vụ án Năm Cam và đồng bọn. Vậy về nguyên tắc, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ thế nào?
- Vấn đề này rất khó nói, bởi việc phân cấp quản lý, phân công cán bộ do tập thể quyết định. Mỗi cấp phải lấy ý kiến, bỏ phiếu, rất nhiều khâu và thủ tục, nếu phân tích sẽ rất dài. Ví dụ, tôi không đồng ý bổ nhiệm một người nào đó dưới quyền của mình, nhưng điều đó không phụ thuộc hoàn toàn ở tôi, và chưa chắc tôi có quyền xử lý người đó.
- Xét về phương diện hành vi, công văn của ông Nhất ký quyết định thả Năm Cam trước thời hạn còn nghiêm trọng hơn cả công văn kiến nghị của ông Phạm Sĩ Chiến. Tại sao ông Nhất lại không bị khởi tố?
- Điều đó thì báo chí biết để phân tích, chứ bây giờ biết lấy cái gì để cân đong đo đếm. Có những sự việc chúng ta thấy nó nặng hơn, nhưng về mặt pháp lý không vi phạm pháp luật thì cũng không xử lý được. Đâu phải cái gì cũng có thể xử theo pháp luật. Còn nếu cá nhân đó có vi phạm khác về trách nhiệm hay về kỷ luật Đảng thì chúng ta phải xử lý.
- Ông cho biết việc xử lý trách nhiệm với thiếu tướng Đỗ Năm, Cục trưởng Cục quản lý trại giam Bộ Công an, người có công văn đề nghị tha Năm Cam trước thời hạn?
- Vấn đề này chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm. Tới giờ, lãnh đạo Bộ Công an và Đảng uỷ Công an Trung ương vẫn chưa nhận được kết quả kiểm điểm của ông Năm.
Về mặt chủ trương, lãnh đạo Bộ kiến nghị kiểm điểm, xem xét, thẩm tra, xác minh cho rõ ràng. Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, không phải đợi phát hiện đầy đủ rồi mới xử lý. Chẳng hạn, khi chưa phát hiện đủ sai phạm của ông Bùi Quốc Huy thì bước đầu tiên là xử lý kiểm điểm, cách chức thứ trưởng Bộ Công an, giáng cấp từ trung tướng xuống thiếu tướng. Sau đó, khi Ban chuyên án Năm Cam thu thập đủ tài liệu thì ông Huy đã bị khởi tố bị can.
(Theo Tiền Phong, Thanh Niên)