-
17h00
Phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết thúc.
-
16h40
"Không giới hạn điều tra gian lận thi cử"
Giơ biển tranh luận nội dung liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay cử tri rất quan tâm kết quả điều tra các sai phạm.
"Kết quả điều tra sẽ có trong thời gian bao lâu, phạm vi điều tra có mở rộng ra ngoài các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn không và thậm chí có mở rộng ra các năm trước không?", bà Hải nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng chức năng rất muốn tập trung điều tra để kết thúc nhanh, nhưng phải bảo đảm là nêu được các vi phạm và đối tượng vi phạm; khi nào hoàn thành yêu cầu đó thì mới có câu trả lời về thời gian kết thúc điều tra.
"Thời gian điều tra có thể trong phạm vi 4 tháng, nếu chưa xong thì tiếp tục, không thể vì áp lực vào năm học mới mà có thời gian điều tra kết thúc sớm”, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời.
Về phạm vi điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, nếu phát hiện ra các trường hợp ở địa phương khác vi phạm thì "tiếp tục điều tra chứ không chỉ ở các địa phương trên".
“Còn về những năm trước, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các trường, nếu phát hiện ra có dấu hiệu vi phạm thì sẽ điều tra. Tóm lại là không có gì giới hạn trong việc xử lý các hành vi gian lận thi cử, không bỏ lọt đối tượng nào liên quan đến vi phạm này”, ông Tô Lâm nói.
Năm 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi đều là vùng trũng giáo dục. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động có nhiều điểm khá giỏi.
Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt giam một số cán bộ.
-
16h30
"Chúng tôi hoan nghênh các hiệp sĩ đường phố"
Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu chất vấn: "Tình trạng cướp giật túi xách tại TP HCM đang là nỗi ám ảnh của nhiều người, hiện chưa thuyên giảm. Bộ trưởng có giải pháp nào để nhân dân yên tâm?".
Bộ trưởng Tô Lâm nói, ngành Công an sẽ phối hợp với chính quyền các cấp đẩy mạnh việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này; tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, lực lượng chức năng quản lý đối tượng ngay tại địa bàn cơ sở; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, mật phục trên đường phố.
"Chúng tôi rất hoan nghênh hiệp sĩ đường phố. Sắp tới ngành Công an sẽ có quy định về các tổ chức vận động nhân dân tham gia vào hoạt động phòng, chống tội phạm; hướng dẫn họ thực hiện đúng chủ trương, pháp luật", ông Tô Lâm cho biết.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ phối hợp với TP HCM quản lý các tụ điểm là mầm mống cho tội phạm cướp giật nảy sinh, nhất là tụ điểm ăn chơi, hút chích ma tuý, nhà hàng cờ bạc trá hình... Ngành Công an cũng sẽ nghiên cứu hệ thống camera an ninh để góp phần đảm bảo an toàn ở các khu vực tập trung đông người, người nước ngoài.
-
16h16
Bỏ trốn ra nước ngoài "phần lớn theo đường bất hợp pháp"
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc vừa qua một số đối tượng bị truy nã, "bỏ trốn ra nước ngoài trót lọt", Bộ trưởng Công an nói các trường hợp đó "phần lớn trốn theo đường bất hợp pháp, không qua cửa khẩu".
Về giải pháp, Thượng tướng Tô Lâm cho hay, "đối tượng có dấu hiệu liên quan đến các vụ án thì chúng tôi đề xuất không cho xuất cảnh; cán bộ, đảng viên nào đang trong quá trình điều tra, xử lý ban đầu cũng không cho xuất cảnh".
Ngoài ra, với những trường hợp trốn ra nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phối hợp với các nước bằng các hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ... đưa về nước.
-
16h00
Vụ án đánh bạc nghìn tỷ là "bài học xương máu"
Đại biểu Quách Thế Tản nêu ý kiến về việc tội phạm sử dụng công nghệ cao bị phát hiện ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng; đặc biệt một số cán bộ cấp cao ngành Công an lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia vừa bị triệt phá. "Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này thời gian tới?", ông Tản chất vấn.
Giải đáp ý kiến đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm cho hay, Bộ Công an đã tập trung đấu tranh với vụ án đánh bạc nêu trên trong thời gian dài, sau đó, Công an Phú Thọ phát hiện ra các “mảng” của vụ án và Bộ quyết định giao cơ quan chức năng tỉnh này tập trung điều tra ở giai đoạn phá án.
"Đây là vụ án có liên quan đến nội bộ, cũng là bài học xương máu của chúng tôi. Nguyên nhân nằm ở chỗ cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị cám dỗ của đồng tiền", ông Tô Lâm nói và thông tin thêm, các cán bộ đó đã lợi dụng các phương tiện kỹ thuật để phạm tội, có sự bảo kê, vì họ biết trong ngành ít lực lượng có thể phát hiện ra được loại tội phạm tinh vi như vậy.
Theo ông, Bộ Công an đã xử lý nghiêm minh các vi phạm và có biện pháp chấn chỉnh không để loại tội phạm đó tái diễn.
"Sau vụ án đó, chúng tôi tiếp tục phá một số vụ án khác về tội phạm mạng nhưng không có sự liên quan đến lực lượng công an. Cụ thể, gần đây cơ quan chức năng cũng đã đấu tranh triệt phá các vụ án với số tiền lên đến hàng nghìn tỉ đồng, nhất là trong mùa World Cup vừa qua. Tuy nhiên lực lượng Công an không liên quan đến các vụ đó như vụ án đánh bạc ở Phú Thọ", Thượng tướng Tô Lâm khẳng định.
Ngày 18/7, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố 92 bị can tham gia đường dây đánh bạc trực tuyến có quy mô lớn nhất Việt Nam. Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, C50 Bộ Công an) bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
-
15h30
"Có tội phạm hình sự tham gia biểu tình gây rối ở địa phương"
Đại biểu Đinh Duy Vượt nêu chất vấn, vừa qua, "nhiều đối tượng lợi dụng các sự kiện như Formosa, dự án Luật đặc khu, dự án Luật An ninh mạng... kích động người dân đập phá trụ sở cơ quan công quyền một số địa phương, gây ảnh hưởng an ninh xã hội, hình ảnh quốc gia, khiến nhân dân bất bình, bức xúc".
"Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để không xảy ra tình trạng tương tự?", ông Vượt nói.
Bộ trưởng Tô Lâm nói, trong quá trình xử lý một số vụ việc tụ tập biểu tình gây rối ở địa phương, lực lượng chức năng đã phát hiện có nhiều trường hợp nghiện ma tuý, nhiễm HIV được thuê từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi lần tham gia biểu tình ở các địa phương này. "Các đối tượng này có các hành vi rất manh động, liều lĩnh, cốt gây rối, phá hoại", ông cho biết.
Theo lãnh đạo ngành Công an, "ngoài âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, tâm lý của người dân khi một số kiến nghị chưa được giải quyết thì có một số đáng kể tội phạm hình sự tham gia vào các hoạt động trên"; chính vì vậy đã xảy ra hình ảnh không tốt, hình thành tâm trạng bức xúc trong một bộ phận nhân dân.
Thời gian tới, ngành Công an sẽ tập trung nhiều giải pháp để ngăn chặn biểu tình trái pháp luật tại các thành phố lớn. "Tiếp tục nắm tình hình, làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch; có các phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn, khủng bố theo phương châm 4 tại chỗ; các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho các khu công nghiệp trọng điểm, quan trọng", Thượng tướng Tô Lâm nói.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không bị lợi dụng; tiếp tục truy quét các đối tượng hình sự không để tham gia vào các hoạt động biểu tình, gây rối...
Ngày 10 và 11/6, lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu,, nhiều người đã tràn vào trụ sở UBND Bình Thuận và Sở Kế hoạch - Đầu tư đập phá, đốt nhiều xe máy, ôtô. Tại thị trấn Phan Rí Cửa, những người quá khích đã chặn xe trên Quốc lộ 1, đốt hàng loạt ôtô ở trong trụ sở PCCC. Sự việc khiến hàng chục cảnh sát bị thương.
Ngoài Bình Thuận, các địa phương lân cận như TP HCM, Đồng Nai, Long An... cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người đã bị khởi tố về các hành vi Gây rối trật tự công cộng, Hủy hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ.
-
15h00
Hành vi gian lận thi cử không phải là mới
Trả lời đại biểu về điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Công an cho biết ngành đã khởi tố 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thí sinh.
“Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình”, Bộ trưởng Công an cho biết.
Theo ông, để phòng chống loại tội phạm trên thì cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với Bộ Giáo dục Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm... sao cho thành khâu phép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật.
Lãnh đạo Bộ Công an cho rằng đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.
-
14h45
Tội phạm tín dụng đen như "cướp ngày"
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo về tội phạm liên quan tới tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm nhận định lĩnh vực này là nguyên nhân đẩy lượng tội phạm hình sự tăng cao trong thời gian qua.
Ông cho rằng đây vừa là tội phạm vừa là công ty hoạt động kinh tế, ranh giới giữa tội phạm và hoạt động kinh tế rất mong manh.
"Tội phạm này còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu tín dụng để sản xuất, kinh doanh của người dân cũng nhiều. Trong khi các tổ chức tín dụng của chúng ta lại chưa đáp ứng được nhu cầu này", Thượng tướng Tô Lâm nói.
Ông phân tích, với tổ chức tín dụng đen, người cầm đầu thường là đối tượng giang hồ, cộm cán, có nhiều vốn cho vay lãi sất cao. Sau đó, lại có những băng nhóm đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người. "Có những tổ chức tín dụng đen hoạt động ngang nhiên như cướp ngày. Hoặc một số vụ việc con nợ do hoang mang, lo lắng gây ra tội phạm bột phát", ông Lâm cho hay.
Bộ trưởng cho biết thêm đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc huy động tiền nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân. "Có như vậy tội phạm tín dụng đen sẽ không còn đất sống", Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
-
14h35
Không để vụ tương tự Vũ "Nhôm" xảy ra
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội nêu vấn đề, nhiều cử tri bức xúc trước việc một số vụ án liên quan tới vi phạm pháp luật của các sĩ quan, tướng lĩnh công an; trong đó vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘"Nhôm") là điển hình của việc "cài cắm" nhân sự để từ đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhà nước trao cho nhằm phạm tội, trục lợi.
"Sau vụ Vũ Nhôm thì Bộ Công an đã kiểm tra, rà soát xem còn vụ nào tương tự hay không và Bộ có giải pháp như thế nào để tránh lặp lại trong thời gian tới", ông Nhưỡng nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Tô Lâm nói vụ Vũ “Nhôm” liên quan tới năm vụ án và vừa qua đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan tới vi phạm bí mật nhà nước.
"Vụ lộ bí mật nhà nước đã đưa ra xét xử, có xử lý hai tướng và cũng xử lý một số người nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm liên quan. Đây là bài học rất lớn trong công tác tổ chức cán bộ, xử lý nghiệp vụ, lợi dụng hình thành tổ chức bình phong tạo điều kiện thuận lợi cho vi phạm pháp luật", ông nói
Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh "đây là bài học đắt giá của Bộ Công an" và khẳng định: “Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy; không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ Nhôm".
Ông Phan Văn Anh Vũ là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. Ngày 21/12/2017, ông Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Ngày 4/1, ông Vũ bị đưa về Hà Nội sau nhiều ngày trốn lệnh truy nã tại Singapore với ba cuốn hộ chiếu.
-
14h30
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp
Trả lời chất vấn về tội phạm xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ với các đại biểu về nhận định lĩnh vực này đang "diễn ra phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận".
Ông cho biết, trong năm 2017 cơ quan chức năng đã phát hiện 1.592 vụ trong lĩnh vực trên (giảm so với năm 2016), trong đó xâm hại tình dục là 1370 vụ. Nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các cháu gái, chiếm 80%; tội phạm thường là người có mối quan hệ thân quen với nạn nhân.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Công an nói chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm chưa được phát huy tốt; nhiều gia đình thiếu quan tâm chăm sóc trẻ em, trẻ thiếu kỹ năng tự vệ...
Cùng với đó, việc dự báo, tiếp nhận thông tin, tố giác tình trạng xâm hại tình dục trẻ em chưa kịp thời, khám nghiệm hiện trường thu thập dấu vết chứng cứ có nhiều khó khăn. Trong thực tế, xâm hại tình dục trẻ em là việc nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín không tố giác.
"Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương tập trung xử lý các vụ xâm hại trẻ em, đẩy mạnh chuyên đề đấu tranh với loại tội phạm này", Thượng tướng Tô Lâm nói và cho hay, một số vụ xử lý còn khó khăn, kéo dài do chưa đạt thống nhất giữa các cơ quan thực thi pháp luật, tuy nhiên "tinh thần là xử lý quyết liệt".