-
11h30
26 đại biểu chất vấn, 11 người tranh luận
Kết luận phiên chất vấn sáng 10/8, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá nhóm vấn đề đưa ra cho Bộ trưởng Công an và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong hơn ba giờ, có 27 đại biểu đăng ký và 26 đại biểu phát biểu, một đại biểu đăng ký sau sẽ được trả lời bằng văn bản; 11 đại biểu phát biểu tranh luận.
Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm cao. Các đại biểu đặt câu hỏi đúng trọng tâm, tích cực tranh luận làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm. Bộ trưởng Công an đã trả lời hết chất vấn và đề xuất các giải pháp cho thời gian tới.
"Đề nghị Bộ trưởng Công an tích cực chỉ đạo, phối hợp các bộ ngành trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các giải pháp mà đại biểu Quốc hội đã đề cập, tạo sự chuyển biến thực sự trong thực tế", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
-
11h23
Tăng cường xử lý tội phạm công nghệ cao
Thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết về công tác phòng chống tội phạm, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ nghiêm trọng. Chính phủ sẽ tiếp tục xác định trách nhiệm từng cấp, từng ngành, có biện pháp quyết liệt, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Đối với tội phạm công nghệ cao, đánh bạc, phát tán thông tin độc hại, Phó thủ tướng cho rằng tình hình vi phạm vẫn phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Chính phủ, Thủ tướng sẽ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng, chỉ đạo Bộ Công an sớm hoàn thành, trình Thủ tướng ban hành văn bản chỉ đạo đấu tranh, xử lý việc đánh bạc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và nhà cung cấp dịch vụ mạng để ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu, các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng; nâng cao năng lực phòng chống tội phạm công nghệ cao...
-
11h20
'Bộ Công an không có chủ trương thu tất cả sổ hộ khẩu làm khó người dân'
Vẫn chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Trường Giang tranh luận lần hai với Bộ trưởng Tô Lâm, nói các cử tri nhắn cho ông rằng việc thu sổ hộ khẩu được thực hiện theo Thông tư 55, có hiệu lực từ 1/7/2021, "chứ không phải việc này ở một địa phương, địa bàn nào cả".
Bộ trưởng Công an nói tiếp "đây là vấn đề hiểu không đúng về thông tư 55". "Theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu đại trà tất cả sổ hộ khẩu. Công an cũng không cấp mới sổ hộ khẩu khi công dân đến điều chỉnh thông tin. Chúng tôi không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân", ông nói.
-
11h10
Bộ Công an sẽ kiểm tra trường hợp thu hộ khẩu giấy
Trả lời đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Tô Lâm nói "việc này chắc là cá biệt, Bộ Công an chưa có chủ trương thu sổ hộ khẩu". Có thể việc thu sổ hộ khẩu ở một điểm, phường hoặc cá nhân nào đấy. Sổ hộ khẩu giấy còn giá trị đến ngày 31/12/2022.
"Việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Nếu đại biểu có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh việc này. Đây không phải chủ trương chung của Bộ", ông Lâm khẳng định.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi cho phù hợp. Ông Lâm dẫn chứng, Bộ Công an nhiều lần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cháu đến tuổi phải được đi học, không thể vì sổ hộ khẩu mà không được đến trường, gây rất nhiều khó khăn. "Không thể bám vào sổ hộ khẩu để gây khó khăn cho các cháu đi học, rồi bố mẹ phải xin vào chỗ này, chỗ kia", ông Lâm nói.
Bộ sẽ kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để giải quyết thủ tục hành chính. Theo ông Lâm, vừa qua việc này được giải quyết tốt với với các lĩnh vực y tế, giáo dục... Có những nơi coi căn cước công dân là giấy tờ pháp lý, không cần hộ khẩu để làm thủ tục.
Bộ cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh cấp căn cước công dân gắn chip.
-
11h00
'Người dân phải xin giấy tờ xác nhận hộ khẩu là rất rối'
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) tranh luận việc bỏ hộ khẩu giấy là theo quy định của luật. Nhưng theo phản ánh của cử tri, khi đến cơ quan công an làm thủ tục thì bị thu hộ khẩu giấy. Trong khi đó, công dân khi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Nhưng sổ đã bị thu nên phải dùng giải pháp tạm thời là công dân đến cơ quan công an xin xác nhận, hiệu lực trong 6 tháng.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Media Quốc hội
"Như vậy rõ ràng chúng ta chưa có sự kết nối liên thông với sổ hộ khẩu trong căn cước công dân với các thủ tục của cơ quan nhà nước. Sắp tới đến cuối năm 2022, bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy mà vẫn chưa kết nối liên thông thông tin hộ khẩu như hiện nay sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, chi phí bỏ ra của người dân trong việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến hộ khẩu là có vấn đề", ông Giang phân tích và cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ.
-
10h50
Đề xuất bị chú nơi sinh cho tất cả hộ chiếu phổ thông mẫu mới
Tiếp tục bày tỏ sự quan tâm về hộ chiếu mẫu mới, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đặt vấn đề: "Có nên bị chú cho tất cả hộ chiếu mẫu mới hay phải đợi khi công dân đề nghị mới ghi thêm". Ông Huân đề nghị để tạo thuận lợi cho người dân, nên chăng tiến hành bị chú cho tất cả hộ chiếu phổ thông mẫu mới.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hộ chiếu được thực hiện theo đúng luật, nếu sửa đổi gì cũng phải có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, tức là các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, không thể tùy tiện thay đổi. Việc bị chú sẽ thực hiện theo nhu cầu của người dân cũng như địa điểm người dân đến. Nếu người dân không cần thì cũng không bị chú vào vì sẽ không phù hợp với quy định của luật. "Ai có nhu cầu đi đến khu vực nào yêu cầu nơi sinh thì sẽ được giải quyết", ông Tô Lâm nói.
-
10h45
Đến cuối năm 2022, không bắt buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu giấy
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết trong những ngày gần đây, nhân dân rất quan tâm và lo lắng đối với thông tin về xóa bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy, bởi sổ hộ khẩu rất cần dùng trong nhiều công việc. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan, đặc biệt là đối với người dân không có điều kiện tiếp cận các phương tiện hiện đại?", bà Phúc chất vấn.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói việc bỏ hộ khẩu giấy là theo luật, đến 31/12/2022 thì hộ khẩu giấy không còn tác dụng. Bộ sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ căn cước công dân gắn chip - là giấy tờ pháp lý để người dân giao dịch, làm thủ tục vì trong đó tích hợp đầy đủ thông tin, các cơ quan không cần phải xác nhận gì thêm. Các thủ tục cần sổ hộ khẩu thì sẽ có biện pháp quản lý mới bằng công nghệ.
"Thực tế có những việc được giải quyết đơn giản đến mức người dân cũng cho rằng vì sao lại đơn giản như thế bởi tâm lý làm thủ tục ăn sâu vào tâm lý người dân, phải đến chỗ này chỗ kia xin xác nhận, công chứng. Cơ quan nhà nước lưu giữ giấy tờ cũng bị gánh nặng. Từ nay đến cuối năm, các quy định sẽ thay đổi, để cơ quan không bắt buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu nữa", ông Lâm nói.
-
10h40
'Cấp hộ chiếu mới không gây lãng phí'
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương hỏi vấn đề cấp hộ chiếu mới có thuận lợi, khó khăn gì cho người dân? Bộ trưởng Tô Lâm nói "cơ bản là thuận lợi, hộ chiếu mới cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân, không có khó khăn gì". Từ việc nhận, cấp, sử dụng, quản lý, thời hạn dài đều đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Lâm, chỉ có khó khăn là một số nước yêu cầu phải có nơi sinh thì Bộ Công an đã có giải pháp bổ sung ngay vào phần bị chú với các nước quan tâm. Còn những nước không đòi hỏi vấn đề nơi sinh thì hộ chiếu Việt Nam được đánh giá rất tốt.
Hộ chiếu mới cũng không lãng phí. Những hộ chiếu cũ còn giá trị vẫn được sử dụng. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được đổi. Sắp tới Bộ Công an sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip. "Không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí", ông Lâm nói.
-
10h30
Ba địa phương đề xuất xây trường đua ngựa
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Năm 2020, Thủ tướng đã cấp phép chủ trương tổ chức đua ngựa tại trường đua huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nhưng đến nay, do nhiều vướng mắc nên việc này chưa thực hiện được vì liên quan đến góp vốn của Tổng công ty Du lịch Hà Nội.
Với việc này, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Còn khi dự án đua ngựa, đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về đặt cược. Đến nay, chưa có dự án nào hoàn thành.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Phạm Thắng
Hiện có ba địa phương là Phú Yên, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc đề xuất chủ trương đầu tư trường đua ngựa. Nhưng các địa phương đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có hồ sơ.
Còn về đặt cược bóng đá quốc tế, Chính phủ quy định phải đấu thầu lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh đặt cược bóng đá. Nhưng việc này lại vướng Luật Đấu thầu, bởi trong luật không có hình thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án hoặc gói thầu của dự án.
Bộ Tài chính đã xin ý kiến bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tư pháp, và sẽ sửa Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi này.
-
10h20
Bộ Văn hóa xem xét về chuyên môn khi đặt cược thể thao
Giải trình thêm về việc chưa thực hiện cá cược thể thao, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói trước khi Luật Thể thao ban hành thì Nghị định 06 cho phép thí điểm nội dung này. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện. Nhưng đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên dù có nghị định nhưng những hoạt động này chưa diễn ra.
Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Trần Huấn
Sau khi được thể hiện trong Luật Thể thao năm 2018, Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì thực hiện. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét về chuyên môn như quy chuẩn kỹ thuật trường đua có đủ điều kiện không; thế nào là một giải đua; kết nối với các liên đoàn bóng đá nắm thông tin.