Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát sáng 11/6, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) đặt câu hỏi liên quan tới việc xử lý tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam đã thực hiện xử lý nghiêm theo luật pháp đối với tàu các nước xâm phạm lãnh hải. Việc làm này chủ yếu do Cảnh sát biển thực hiện. Tới đây, lực lượng Kiểm ngư cũng sẽ tham gia kiểm soát cùng biển xa
"Chúng tôi đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm những tàu xâm phạm lãnh hải theo luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế", ông Phát nói.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đặt vấn đề liên quan đến Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Theo ông Cư, báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ cho thấy việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập, hạn chế, như việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão lũ ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Một số quy định của nghị định còn chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Việc thành lập quản lý tổ, đội hợp tác xã ở các địa phương còn chậm và thiếu chặt chẽ...
"Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của mình và hướng đến Bộ trưởng sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục những bất cập tồn tại trên", ông Cư nói.
Đại biểu cũng đề nghị Bộ trưởng xác định trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ Dự án khu neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn giai đoạn 2 để hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt xa bờ ở ngư trường đảo Hoàng Sa - ngư trường có nhiều rủi ro, nhiều mưa bão.
Bộ trưởng Nông nghiệp thừa nhận Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản rất đúng đắn, nhưng việc đầu tư, xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền ở các cảng cá còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng thông tin, thực tế ngành Nông nghiệp đang hướng dẫn các địa phương đăng ký đầu tư, yêu cầu đầu tư xây dựng các cảng cá, các khu neo đậu tầu, thuyền. Đến nay đã có 211 cảng được đăng ký, 131 khu neo đậu tầu, thuyền được phê duyệt và đang huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện 83 cảng, 65 khu neo đậu tàu thuyền.
"Để thực hiện chủ trương này, rõ ràng cần phải làm từng bước, không thể nhanh được. Chúng tôi hiểu rất rõ vị trí quan trọng của khu neo đậu Lý Sơn và cố gắng thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của thủ tướng cùng với các bộ tổng hợp, huy động nguồn vốn để thực hiện", ông Phát nói.
Giải thích nguyên nhân chủ trương đánh bắt xa bờ thực hiện còn chậm, Bộ trưởng cho biết thực tế Việt Nam đã có chủ trương này từ lâu và vẫn đang thực hiện. Với sự nỗ lực của ngư dân, số lượng tàu đã tăng lên rất mạnh. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, ông được thông báo có hơn 20.000 chiếc, đến hết tháng 5 này con số đó đã lên tới 30.000 tàu và mã lực bình quân của một con tàu cũng đã tăng đến 122 mã lực/1 tàu.
"Hiện nay chúng ta cũng đang tiếp tục hỗ trợ ngư dân các phương tiện, các kỹ thuật để đánh bắt có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cũng báo cáo với Quốc hội, ngay cả trữ lượng cá tại các vùng xa bờ cũng có hạn. Vì thế nên chúng ta cũng phải phát triển một cách vững chắc để ngư dân khai thác ngoài xa có hiệu quả, lâu dài", ông Phát nhấn mạnh.
Tổng kết phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng rà soát lại các chính sách hỗ trợ nông dân, lâm dân, ngư dân, diêm dân... đặc biệt là những người đánh bắt xa bờ. Theo Chủ tịch Quốc hội, chính sách đánh bắt xa bờ đi liền với hỗ trợ người dân vừa đánh bắt cá vừa tham gia bảo vệ chủ quyền.
"Chúng ta phải tạo niềm tin, tạo được xung lực cho nguời dân. 131 âu thuyền đã được duyệt thì phải khẩn trương thực hiện. Riêng âu thuyền ở đảo Lý Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư đã hứa sẽ tập trung giải quyết nên đại biểu Mã Điền Cư hãy yên tâm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Võ Hải - Hoàng Thùy