Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm được tổ chức vào chiều 18/2 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong hoàn cảnh 24 ổ dịch đã được phát hiện tại 11 tỉnh khắp từ Bắc vào Nam. Hơn 30.000 con gia cầm đã bị tiêu hủy và 2 người tử vong vì cúm A(H5N1). Bộ Nông nghiệp đánh giá, dịch đang bùng phát và sẽ còn lan rộng.
Trong khi đó, dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc vẫn hoành hành với hơn 350 ca nhiễm và 67 người đã tử vong. Nhiều chủng virus cúm nguy hiểm khác đã được phát hiện ở các nước châu Á.
Báo cáo các biện pháp ứng phó tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, việc buôn lậu, đặc biệt là gia cầm tập trung ở hai bên cánh gà các cửa khẩu chính thức, gần quốc lộ. Để ngăn chặn, tỉnh đã xây tường vĩnh cửu hoặc hàng rào thép gai ở một số khu vực. Vì thế, thời gian qua hàng lậu nói chung và gia cầm qua biên giới nói riêng giảm hẳn.
Địa phương này cũng tán thành với biện pháp cách ly khu vực bán gia cầm cũng như thường xuyên kiểm tra lấy mẫu, tăng giám sát kiểm tra. Đồng thời, để ứng phó trong tình huống phát hiện virus cúm A(H7N9) xâm nhập, tỉnh đã chuẩn bị các khu cách ly và dành hàng chục giường bệnh, phương tiện cần thiết ở các bệnh viện lớn. Địa phương biên giới phía Bắc này cũng xác định, kế hoạch ứng phó sắp tới của tỉnh là với tinh thần đối mặt với các chủng virus nguy hiểm tới người.
Trong khi đó, với đàn gia cầm 7,2 triệu con, tỉnh Nam Định đề nghị trung ương tiếp tục cung cấp vắcxin, thuốc sát trùng ngăn H5N1; hỗ trợ về năng lực giám sát, quản lý cúm gia cầm. Đề nghị này sau đó cũng được nhiều địa phương nêu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hai nhiệm vụ ngăn virus H7N9 xâm nhập và ứng phó với H5N1 đều phải được xác định là quan trọng nhưng ngăn H7N9 cần phải được quan tâm nhiều hơn. “Gia cầm mắc virus H7N9 không biểu hiện lâm sàng mà chỉ được phát hiện bằng xét nghiệm và hiện chưa có vắcxin. Vì thế phải quyết liệt ngăn H7N9”, ông Phát nói và bày tỏ mong muốn vào sự cố gắng ứng phó của các địa phương và Bộ sẽ hỗ trợ ở mức tối đa.
Còn theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cả hai loại virus này đều đáng sợ. Ở trong nước, hai người ở Đồng Tháp và Bình Phước đã tử vong vì H5N1 còn ở Trung Quốc, số người nhiễm H7N9 trong chưa đầy hai tháng đầu năm 2014 đã cao hơn cả năm 2013. “Năm 2013 chúng ta đã giữ không cho virus H7N9 xâm nhập nhưng giữ được tới bao giờ là câu hỏi lớn”, ông Phu nói.
Ông Phu nêu một thực tế là áp dụng việc đóng cửa chợ ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn chứ không như ở Trung Quốc.
Vị Cục trưởng cho biết thêm, virus H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng đã có dấu hiệu thích nghi, biến đổi với động vật có vú, dù chưa có khuyến cáo về lây từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo khách du lịch tới Trung Quốc không nên đến chợ gia cầm. Về lâu dài, ông Phu đề nghị quy hoạch lại để có chợ gia cầm riêng.
Đánh giá tình hình hiện ở mức “nguy hiểm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dịch cúm trong nước chưa lên đến đỉnh và còn lan rộng. Mức độ lan rộng sẽ tùy thuộc và sự quyết liệt trong ứng phó. Một dấu hiệu nguy hiểm là thời gian qua, dịch đã có dấu hiệu lây lan qua biên giới Tây Nam.
Dẫn số liệu của Cục Thú y, Bộ trưởng Phát cho hay, virus H5N1 lưu hành đã ở mức tương đối nghiêm trọng, tỷ lệ 6 trên 100 con gia cầm hay 61 trên 100 chợ có virus nguy hiểm này. Để ứng phó, việc đầu tiên cần làm theo ông Phát là thông báo để người dân biết và tích cực chống.
“Có sợ dân hoang mang không? Kinh nghiệm 10 năm chống dịch của tôi cho thấy chỉ khi công khai, không giấu dịch; chỉ khi dân biết đúng tình hình thì họ mới có phản ứng thích hợp và ta mới chống dịch thành công”, Bộ trưởng Nông nghiệp nói và đề nghị có chính sách phù hợp để người dân tham gia với nhà nước chống dịch.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và địa phương cần phối hợp làm tốt các giải pháp kỹ thuật một cách đồng bộ như tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắcxin. Ông Phát cũng “thiết tha” kiến nghị các địa phương biên giới đồng lòng ngăn chặn các loại virus trong đó có H7N9 bởi kinh nghiệm năm 2013 cho thấy việc này là có thể làm được.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Kinh nghiệm là khi để nhiều gia cầm cúm thì có người cúm và chết. Thiệt hại về người và kinh tế là không tránh khỏi". |
Để hỗ trợ các địa phương và người dân, Bộ trưởng Nông nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thêm vắcxin, bởi nguồn dự trữ hiện chỉ có 35 triệu liều trong khi tổng đàn gia cầm lên tới 330 triệu con. Còn các địa phương sử dụng ngân sách dự phòng vào công tác phòng, chống dịch, nếu vượt quá khả năng thì đề xuất với Bộ để xin hỗ trợ từ nguồn dự phòng quốc gia. Ông cũng đề nghị sửa chính sách để có mức hỗ trợ bình quân 35.000 đồng đối với mỗi con gia cầm.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong hoàn cảnh dịch chưa lên tới đỉnh điểm thì cần dành nhiều thời gian cho công tác ứng phó.
Biểu dương tỉnh Lạng Sơn, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương ban hành kế hoạch hành động trong tháng 2. Các nhiệm vụ cấp thiết là kiên quyết tiêu độc khử trùng; phân tách địa điểm bán gia cầm sống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tháng tiêu độc khử trùng.
“Phải làm mọi cách để đảm bảo an toàn sinh mạng cho người dân. Không được để xảy ra việc giấu dịch hay ném gia cầm chết do dịch xuống sông như vừa qua”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng cũng đồng ý tăng mua dự phòng vắcxin lên 60 triệu liều. Ông cũng yêu cầu có báo cáo hàng tuần về tình hình dịch cúm. Còn đối với cơ quan thú y chuyên môn thì phải cập nhật hàng giờ.
Từ đầu 2014, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nước trong khu vực như Campuchia (H5N1), Trung Quốc (H5N1, H5N2, H10N8, H7N9), Hàn Quốc (H5N8). Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá virus cúm A(H7N9) đặc biệt nguy hiểm khi không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và hiện chưa có vắcxin phòng bệnh nên gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, giám sát và ứng phó. WHO cũng vừa thông báo một ca mắc virus cúm này tại Malaysia là khách du lịch từ Trung Quốc sang Malaysia từ ngày 3/2. |
Nguyễn Hưng