Kịch bản trên được người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp 4 Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước về điều hành kinh tế vĩ mô chiều 22/1.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng đã tập trung vào nội dung chính là ảnh hưởng của giá dầu thế giới đối với thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
Cụ thể, ông Vinh cho hay, liên bộ đã bàn thảo đến cả 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 là mức 60, 50, và 40 USD mỗi thùng.
Theo đó, xét ở khía cạnh khai thác, nếu phương án 60 USD thì xuất khẩu dầu của Việt Nam có giảm nhưng không đáng kể, chỉ phải điều tiết giảm sản lượng ở một vài lô có giá sản xuất cao. Còn nếu giá dầu trung bình ở mức 50 USD thì giảm khai thác nhiều hơn.
Ba kịch bản sản lượng khai thác xuất khẩu tương ứng với các mức giá dầu nêu trên lần lượt là 14,74 triệu tấn, 14,4 và thấp nhất là 13,08 triệu tấn.
“Kịch bản thấp nhất xảy ra là khi giá dầu về mức 40 USD mỗi thùng. Khi ấy ta sẽ giảm sản lượng khai thác xuất khẩu về mức 13,08 triệu tấn, thì GDP có thể giảm 1%. Nghĩa là nếu dự kiến 2015 GDP tăng 6,2% thì chỉ còn 5,2% mà thôi”, Bộ trưởng Vinh nói.
Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh, do Việt Nam vừa xuất dầu thô, vừa nhập phần lớn các chế phẩm từ dầu, mà sản lượng nhập xăng dầu lớn hơn xuất khẩu nên tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở 2 chiều, trong đó nền kinh tế sẽ được nhiều hơn mất.
Cụ thể, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải xuống theo. Ông khẳng định, nếu cả hai yếu tố này cùng giảm thì các mô hình tính toán cho thấy, giá dầu ở mức 60 USD thì thúc đẩy kinh tế tăng 0,27%; nếu 50 USD thì tăng 0,31% so với kế hoạch dự kiến 2015.
“Trong khi chỉ số này sẽ tăng 0,43% nếu giá dầu ở mức 40USD. Cho nên, nói giá dầu tác động 2 chiều lên nền kinh tế là vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chí Hiếu