Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub chỉ trích trong một bài đăng trên Twitter hôm 4/4 rằng Covid-19 giúp Trung Quốc "thống trị thế giới" và các nhà sản xuất khẩu trang nước này kiếm bộn tiền.
"Về mặt địa chính trị, ai sẽ trở nên mạnh hơn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu này", Weintraub viết. "Ai ở Brazil thông đồng với kế hoạch không thể sai lầm này để thống trị thế giới".
Trong bài đăng gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Weintraub thay thế chữ "r" trong Brazil thành chữ "L", đọc thành BLazin để chế nhạo cách đọc tiếng Anh của người Trung Quốc. Ông xóa bài đăng này hôm 5/4.
![Một giáo viên của SENAI (Dịch Vụ Đào tạo Công nghiệp Quốc gia Brazil) đang sửa máy lọc khí hỏng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Sao Paulo, Brazil, hôm 6/4. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/04/07/2020-04-06T215537Z-1352952387-5491-4415-1586226672.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NKc6XWx-1cpznS6xkEquNA)
Một giáo viên của SENAI (Dịch Vụ Đào tạo Công nghiệp Quốc gia Brazil) đang sửa máy thở bị hỏng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Sao Paulo, Brazil, hôm 6/4. Ảnh: Reuters.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Brazil, nơi từng tranh cãi với con trai Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng trước khi ông này so sánh cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc với thảm họa hạt nhân Chernobyl, đã lên tiếng phản đối Bộ trưởng Weintraub hôm 6/4.
"Những tuyên bố hoàn toàn vô lý và bần tiện đó, cùng đặc tính phân biệt chủng tộc và toan tính ngầm, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong phát triển lành mạnh quan hệ song phương", đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil thông báo trên Twitter. "Chính phủ Trung Quốc chờ lời giải thích chính thức từ Brazil", đại sứ Trung Quốc tại Brazil Dương Vạn Minh đăng Twitter.
Bộ Giáo dục Brazil từ chối bình luận vấn đề này, ông Weintraub cũng không phản hồi yêu cầu bình luận về tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sau đó, ông nói mình không phân biệt chủng tộc, chỉ bày tỏ thái độ trước cách Trung Quốc xử lý đại dịch và cáo buộc nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc trục lợi.
Weintraub khẳng định chỉ xin lỗi nếu Brazil mua được máy thở cho các bệnh viện ở trường đại học với giá chấp nhận được.
"Họ hãy giao 1.000 máy thở đến các bệnh viện trong các trường đại học ở Brazil rồi tôi sẽ tới đại sứ quán và nói 'Tôi là thằng ngu'", ông nói trong cuộc phỏng vấn với đài Bandeirantes sáng 6/4.
Covid-19 đang gây áp lực mới lên quan hệ giữa Brazil với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này và nhà sản xuất vật tư y tế lớn nhất thế giới, cho thấy sự bất đồng trong chính quyền của Tổng thống Bolsonaro.
Weintraub là một trong nhiều cố vấn của Bolsonaro, trong đó có con trai của Tổng thống và Ngoại trưởng Ernesto Araujo, lên tiếng kêu gọi nước này liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc, đối tác chính mua hàng nông sản và quặng sắt của Brazil.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta cho biết Trung Quốc đã bỏ qua một số đơn đặt hàng của Brazil sau khi Mỹ điều hơn 20 máy bay chở hàng tới Trung Quốc để mua những sản phẩm tương tự.
Bolsonaro nhiều lần nói Covid-19 là "bệnh cúm nhỏ", làm dấy lên các xung đột chính trị khi ông phản đối quyết định hạn chế đi lại của thống đốc các bang, điều mà ông coi là thảm họa kinh tế.
Khi số người chết vì dịch tăng, nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Brazil ủng hộ lệnh hạn chế để ngăn chặn nCoV lây lan.
Bộ Y tế Brazil hôm 5/4 thông báo số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng gấp đôi so với 5 ngày trước đó lên 11.130, còn số ca tử vong cũng tăng gấp đôi lên 486 kể từ ngày 1/4.
Sao Paulo, bang đông dân nhất Brazil, ghi nhận hơn một nửa số người chết ở nước này. Joao Doria, thống đốc bang Sao Paolo, hôm qua đã gia hạn các biện pháp ngăn chặn dịch thêm 15 ngày tới 22/4, tuyên bố cảnh sát có quyền giải tán các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng.
Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc chiến vật tư y tế. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các vùng dịch lớn như Mỹ và châu Âu, lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang vì hầu hết không thể sản xuất hàng triệu khẩu trang mà nhân viên y tế cần mỗi ngày. Các nước gần như đang trông đợi vào những lô hàng khẩu trang từ Trung Quốc và các nhà sản xuất khác ở châu Á.
Hồng Hạnh - Huyền Lê (Theo Reuters)