Ngày 5/8, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị, ngành giáo dục chuẩn bị chu đáo các điều kiện vừa phục vụ tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19. Ban chỉ đạo thi các huyện đã chuẩn bị mỗi điểm thi một phòng thi dự phòng cho thí sinh diện tiếp xúc gần.
Tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng cho ba huyện Mường Lát, Quan Sơn và Quan Hóa để phục vụ suất ăn miễn phí cho thí sinh, kinh phí từ nguồn xã hội hóa. "Huyện Mường Lát được hỗ trợ 40 triệu đồng, Quan Hóa và Quan Sơn mỗi đơn vị nhận 30 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường huy động ký túc xá và các nhà dân lân cận, hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho thí sinh", Phó chủ tịch tỉnh Mai Xuân Liên nói.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Thanh Hóa tổ chức một Hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì với hơn 34.900 thí sinh (số thí sinh tự do hơn 1.900).Toàn tỉnh bố trí 70 điểm thi với hơn 1.500 phòng thi, huy động khoảng 5.400 cán bộ, giáo viên tham gia.
Với 31.200 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tỉnh Nghệ An điều động 4.900 cán bộ làm việc tại 61 điểm thi, thuộc 21 huyện, thị xã, thành phố. Ngày 25/7, kể từ khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, địa phương chưa ghi nhận ca nhiễm nào, do vậy việc cử giáo viên coi thi vẫn diễn ra như các năm trước.
"Trường được chọn làm điểm thi chỉ giữ lại một Hiệu phó làm điểm trưởng, những người còn lại được chuyển sang đơn vị khác. Tỉnh có 3.222 giám thị, những người năm trước làm nhiệm vụ tại vùng sâu thì năm nay sẽ điều động tới những nơi giao thông thuận lợi hơn và ngược lại", ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cho biết.
Tại 61 điểm thi, nhà chức trách chuẩn bị 5-7 phòng dự phòng ở mỗi điểm thi để phục vụ thí sinh có biểu hiện ho, sốt. Mỗi điểm được trang bị ít nhất 5 máy đo thân nhiệt, cán bộ y tế cấp huyện sẽ đo nhiệt độ tất cả sĩ tử trước khi vào khu vực thi. Phòng thi có dung dịch sát khuẩn, cốc uống nước loại sử dụng một lần.
Việc in sao đề thi bắt đầu từ ngày 27/7, với 3 công an bảo vệ cùng 48 người làm việc. Vận chuyển đề thi từ nơi in đến điểm thi do 2 cán bộ công an áp tải.
Với hơn 15.000 thí sinh thi tốt nghiệp, Hà Tĩnh sẽ điều hơn 2.000 người làm nhiệm vụ tại 35 điểm thi thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã. Nhằm tạo sự khách quan, giám thị sẽ không coi thi trên địa bàn cư trú. Những năm trước, cán bộ tự lo chỗ ăn ở, năm nay họ được tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí khoảng 80.000 đồng/người một ngày, bố trí ăn ở tập trung, hạn chế đi lại nhằm phòng dịch.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, cho biết để phòng Covid-19, Sở yêu cầu các trường rà soát giáo viên, học sinh thuộc diện F1, F2, nếu có sẽ không bố trí làm nhiệm vụ và dự thi đợt một, song hiện chưa phát hiện. 650 giáo viên THCS được tập huấn coi thi để làm phương án dự phòng. Nếu điểm thi nào gặp sự cố, cần cán bộ thì sẽ điều động họ.
"Năm nay quá trình chuẩn bị thi tốt nghiệp phát sinh nhiều việc vì dịch. Với 15.350 thí sinh dự thi tại 35 điểm tại 13 huyện, thị xã, thành phố. Nếu như năm 2019 chỉ cần chuẩn bị 35 điểm thi, thì nay phải thêm 35 điểm dự phòng tại các trường lân cận, đề phòng điểm thi chính bị phong tỏa khi có người liên quan Covid-19", ông Quốc Anh nói.
Ngoài ra, tại 35 điểm thi đều phải bố trí thêm 3-5 phòng chờ và phòng thi dự phòng, nếu thí sinh gặp sự cố sẽ được chuyển sang theo dõi sức khỏe và thi riêng, bố trí những giáo viên dự phòng làm nhiệm vụ.
"Trước đó Sở rất lo lắng vì nếu thí sinh F1, F2 thi đợt một sẽ có nhiều vấn đề. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho nhóm này thi đợt hai cùng thí sinh Đà Nẵng và một số nơi ở Quảng Nam, mọi việc đã bớt căng thẳng", Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết thêm.
Quảng Trị có 7.990 thí sinh dự thi tại 24 điểm, hơn 1.100 giáo viên và 500 cán bộ được điều làm nhiệm vụ. Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho hay đang phối hợp với ngành y tế khử khuẩn tất cả điểm thi, phòng thi, khu vực sao in, sao, chấm thi. Sau mỗi buổi thi, bộ phận y tế sẽ vệ sinh, sát khuẩn các phòng, đảm bảo môi trường thông thoáng, đủ ánh sáng.
Thừa Thiên Huế bố trí khoảng 2.260 giáo viên coi thi tại 35 điểm cho hơn 12.570 thí sinh. Để phòng Covid-19, những người ở gần điểm thi sẽ được cử làm nhiệm vụ tại địa bàn đó, tránh di chuyển đường dài, đề phòng lây chéo dịch.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, cán bộ, giáo viên được phân việc tại kỳ thi đều phải đo thân nhiệt hàng ngày, những người thuộc diện F1, F2 sẽ không tham gia để đảm bảo an toàn cho thí sinh.
Ngoài ra, nhà chức trách còn yêu cầu thí sinh tổ chức giãn cách 1-1,5 m đề phòng lây chéo dịch, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi.
Do Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được lùi một tháng rưỡi và chia thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8, đợt hai dành cho thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang cách ly xã hội ở Quảng Nam và thí sinh diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải làm ba bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Lê Hoàng - Văn Hải - Đức Hùng - Hoàng Táo - Võ Thạnh