Xin chào kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân. Tôi có căn nhà với diện tích sàn 5,6mx26m, nhà 2 mặt tiền có tầng để xe bên dưới tầng trệt, vừa sử dụng làm mục đích kinh doanh, vừa sử dụng làm nhà ở. Hiện nay, phía trước nhà đang bố trí làm khu vực kinh doanh và lối vào garage ở mặt tiền sau (đường trước nhà cao hơn đường sau nhà 1 m).
Tôi muốn thiết kế lại không gian tầng 1 để tiện cho sinh hoạt gia đình. Mong muốn của tôi là sắp xếp sao cho không gian phòng khách có thông tầng, khu tiểu cảnh, quan sát được phòng kinh doanh nhưng không quá lộ liễu, cầu thang là điểm nhấn mang tính mỹ thuật để cả gia đình có thể thư giãn sau thời gian làm việc. Nhà bếp và phòng ăn có quầy bar liên thông với phòng khách, trang trí nội thất theo phong cách cổ điển sang trọng. Tôi cũng muốn bố trí thêm thang máy để tiện di chuyển. Xin nhờ kiến trúc sư tư vấn giúp nên bố trí theo phương án thế nào? (Sang).
Trả lời:
Xin chào anh,
Đối với nhà có chiều sâu như nhà của anh thì việc bố trí đòi hỏi tính hợp lý sao cho không gian vừa đảm bảo đủ ánh sáng, độ thông thoáng và lưu thông thuận tiện cho người sử dụng. Thứ tự không gian kiến trúc theo nhu cầu của anh sẽ là khu vực kinh doanh, phòng khách, tiếp đến là quầy bar, nhà bếp kết hợp phòng ăn.
Sau đây, tôi xin gợi ý cách bố trí mặt bằng không gian tầng 1 với lối sắp xếp thuận tiện nhất theo mong muốn của anh và gia đình.
Ngoài ra, anh cũng có thể tham khảo một số mẫu thiết kế nhà cổ điển theo phác họa phối cảnh 3D sau:
Đây là gợi ý bố trí không gian phòng khách nhìn từ trên xuống. Khu vực tiếp khách tạo sự bề thế nhờ vách trang trí gạch giả đá, tạo sự vững chãi cho gia chủ khi ngồi tiếp khách ở đây. Tiểu cảnh thác nước được bố trí đối diện chỗ ngồi chính của bộ sofa, tạo cảm giác thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng. Giữa phòng khách và phòng kinh doanh ngăn cách bằng vách kính kết hợp vách trang trí CNC tiện cho việc quan sát phòng kinh doanh.
Phòng khách theo phong cách cổ điển sang trọng, rộng rãi, thông thoáng với bố trí thông tầng, cầu thang uốn lượn tạo điểm nhấn mỹ thuật cho không gian. Góc tiểu cảnh dưới thông tầng có ánh sáng giúp làm thông thoáng toàn bộ không gian. Thác nước cùng đèn tường trang trí tạo nên một góc thư giãn. Bố trí cây xanh tại đây cho cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Một góc phòng khách từ trong phòng ăn nhìn ra. Việc sử dụng tông màu trắng sáng giúp toàn bộ không gian rộng rãi và thoáng đạt. Cầu thang với đường cong mềm mại, tay vịn gỗ và sắt mỹ thuật giúp không gian trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng. Kết hợp ánh sáng khéo léo sẽ giúp không gian trở nên tinh tế hơn.
Toàn cảnh phòng khách thể hiện được sự liên thông không gian phòng khách - bếp. Phong cách cổ điển nhẹ nhàng, gam màu trung tính, phối hợp với ánh sáng đèn làm nổi bật không gian sinh hoạt này. Thiết kế đáp ứng mong muốn của anh là chiếc cầu thang làm điểm nhấn thẩm mỹ cho ngôi nhà với đường cong uốn lượn mềm mại và hoa văn chi tiết công phu tinh xảo.
Không gian liên thông giữa phòng khách và bếp ăn được khéo léo chuyển tiếp nhờ vị trí quầy bar uốn nhẹ và thang máy. Phía trước nhà bếp là quầy bar mini thuận tiện cho những buổi sinh hoạt gia đình cũng như tiếp đón bạn bè, đồng thời ngăn không để khách nhìn trực diện vào trong bếp nấu.
Sự kết hợp khéo léo giữa 2 không gian bếp và phòng ăn tạo cảm giác thoải mải và thuận tiện trong sinh hoạt cũng như lưu thông. Tủ kệ bếp đa năng tiện nghi trong việc nấu nướng. Bộ bàn ăn kiểu cổ điển góp phần tô điểm cho không gian sang trọng hơn.
Tủ rượu và kệ TV được bố trí đối diện bàn ăn vừa hài hòa, cân đối bố cục lại vừa mang đến sự tiện nghi trong sử dụng. Khung cửa lớn bên cạnh bàn ăn giúp không gian tràn ngập ánh sáng và thông thoáng.
Với cách bố trí không gian như trên, hy vọng anh và gia đình tham khảo và tìm được một không gian như ý cho cả nhà.
Trân trọng.
Kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân
Ảnh: Không Gian Hoàn Hảo