Hệ thống nghe nhìn ngày nay đều có bộ loa từ hai chiếc trở lên. Một dàn home theatre thường gồm nhiều loa để tạo ra âm thanh vòng (surround sound). Âm thanh này được tái tạo từ nguồn âm như đầu đọc DVD. Âm thanh surround của DVD có nhiều kênh (multichannel), mỗi kênh điều khiển một loa hoàn toàn độc lập với nhau.
Dàn âm thanh bố trí đúng cách sẽ tạo cảm giác sống động như thật. |
Hệ thống 5.1, 6.1, 7.1 là gì?
Hệ thống 5.1 là hệ thống căn bản của "rạp hát gia đình" hiện đại. Hệ thống 5.1 bao gồm: loa trung tâm (center), thường được đặt trên hoặc dưới màn hình, chủ yếu để phát ra lời thoại của nhân vật trong phim; hai loa chính (front hoặc main) đặt hai bên màn hình để tái tạo hầu hết các âm thanh trong phim; và hai loa surround bố trí hai bên, phía sau người xem, để phát ra tiếng nhạc nền và tiếng vọng.
Ngoài 5 loa trên còn có một loa subwoofer chuyên tạo ra các âm thanh siêu trầm. Kết quả là các hiệu ứng âm thanh sẽ làm cho chúng ta cảm thấy như đang nhập cuộc trong những cảnh phim cực kỳ hấp dẫn diễn ra trên màn hình. Hệ thống Dolby Digital và DTS thông thường được thiết kế trên cơ sở 5.1 này.
Hệ thống 6.1 và 7.1 được phát triển trên cơ sở 5.1 bằng cách thêm một hoặc hai loa surround đặt ngay phía sau người nghe, nhờ đó hiệu quả âm thanh vòng được cải thiện tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, muốn nghe được âm thanh 6.1 hoặc 7.1 bạn cần phải có ampli hỗ trợ các chuẩn này. Hệ thống 6.1 hoặc 7.1 còn được gọi là hệ thống Surround EX hoặc DTS-ES, chúng hoàn toàn tương thích với tiêu chuẩn Dolby Digital 5.1 (nếu bạn không có loa đặt phía sau thì bỏ trống kênh này).
Nên mua loa rời hay loa bộ?
Đa số các nhà sản xuất loa đều bán sản phẩm của họ theo từng bộ, thường theo cấu hình một loa subwoofer và một số loa vệ tinh (satellite) kích thước nhỏ. Điều đó làm cho việc chọn mua và lắp đặt bộ loa trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đồng thời cũng giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều tiền so với việc mua lẻ từng loa.
Do hệ thống "rạp hát gia đình" cần những tiếng trầm rất mạnh nên các bộ loa thường có riêng một bộ subwoofer để chuyên tái tạo lại phần âm trầm. Thùng loa subwoofer thường có kích thước lớn và có lắp sẵn bộ khuyếch đại công suất ở bên trong. Mặt khác, do âm trầm không định hướng một cách rõ ràng nên chiếc loa subwoofer thô kệch thường được đặt ở chỗ khuất trong phòng (ví dụ sau rèm, dưới ghế sofa hoặc góc nhà) để không ảnh hưởng đến mỹ quan chung. Các loa vệ tinh thường có cấu tạo nhỏ gọn do không phải đảm nhận phần âm trầm, do vậy cũng dễ lắp đặt hơn.
Nhiều nhà sản xuất sử dụng cùng một kiểu loa giống nhau cho tất cả các loa vệ tinh, do đó chúng có cùng âm sắc, cùng đặc tính âm học. Một số hệ thống khác sử dụng loa giống nhau cho các vị trí phải, trái và giữa nhưng các loa surround hai bên và phía sau có khác chút ít để phù hợp với đặc tính truyền âm ở những vị trí này. Tuy vậy, đối với những không gian nhỏ hoặc vừa, bạn nên sử dụng các loa vệ tinh giống nhau.
Tất nhiên, để đạt được chất lượng âm thanh hay nhất, bạn hoàn toàn có thể dùng những thùng loa to, mua rời, có khả năng tái tạo lại toàn bộ phổ âm để lắp vào vị trí loa trái và loa phải. Các nhà sản xuất các loại loa này thường cũng cung cấp luôn cả loa center và loa surround hai bên để bạn lựa chọn. Một số loa đứng dạng cột cũng bao gồm cả loa subwoofer, rất thích hợp cho các hệ thống home theatre.
Nếu bạn quyết định chọn phương án mua các loa đơn lẻ chất lượng cao thì nên chọn loa của cùng một nhà sản xuất và tốt nhất là cùng một dòng công nghệ để đảm bảo tính đồng nhất về âm sắc và đặc tính âm học của bộ loa, đồng thời nên tuân theo các chỉ dẫn của nhà sản xuất về việc lắp ghép, phối hợp giữa các loa. Bạn cũng nên chú ý mua các loa có bọc bảo vệ từ trường (magnetic shielding) để tránh ảnh hưởng tới các thiết bị khác.
Bố trí các loa phía trước
Ba loa ở phía trước (center và hai loa chính) phải được đặt thẳng thành hàng ngang. Nếu bạn dự định xem phim hoặc nghe nhạc một mình là chính thì có thể bố trí các loa trên một cung tròn có tâm là vị trí ngồi xem. Ngược lại, nếu hệ thống của bạn dành cho cả gia đình nhiều người cùng thưởng thức thì nên bố trí các loa thẳng hàng theo mặt phẳng tivi. Chú ý đừng bao giờ bố trí các loa theo hàng không đều.
Nên sử dụng góc hẹp nếu xem phim, góc rộng dành cho nghe nhạc. Loa bên phải và bên trái nên đặt khép góc 45 đến 60 độ so với vị trí trung tâm. Một góc 45 độ là thích hợp nhất cho việc xem phim bởi vì khi lồng tiếng cho phim, người ta cũng sử dụng một góc như vậy. Ngược lại, nếu bạn sử dụng hệ thống để nghe nhạc là chính thì nên chọn một góc rộng hơn.
Cuối cùng, cả ba loa phía trước cần phải đặt ở độ cao càng giống nhau càng tốt, và tốt nhất là ở cùng độ cao với tai người nghe. Loa chính giữa thường được đặt trực tiếp lên đỉnh tivi, vì thế bạn nên sử dụng giá đỡ có độ cao điều chỉnh được để đỡ hai loa phải và trái.
Bố trí các loa surround
Trong hệ thống 5.1, các loa surround nên đặt đối xứng ở hai bên người nghe, hơi lùi về phía sau một chút (nhưng không phải là ở sau lưng) và đặt cao hơn vị trí tai người nghe, và hướng thẳng đứng chứ không nên chếch xuống vị trí ngồi nghe để tránh hiệu ứng tái định vị.
Nói chung, không nên gắn các loa surround lên bức tường phía sau. Tuy nhiên không phải căn phòng nào cũng cho phép bố trí loa surround ở hai tường bên. Khi đó, bạn cũng có thể sử dụng kệ hoặc giá đỡ bằng gỗ hoặc sắt cho các loa surround. Với độ cao thích hợp, giá đỡ cũng có tác dụng tốt không kém gì trường hợp gắn loa lên tường bên của căn phòng. Một điều các bạn cần lưu ý là chọn dây nối loa trong hệ thống âm thanh surround rất quan trọng. Nên chọn dây loa loại tốt, nhất là đường dây nối với loa surround có khoảng cách khá lớn, nếu dây nhỏ hoặc chất lượng kém sẽ làm suy giảm tín hiệu và gây ra hiện tượng méo tiếng và sai tiếng.
Dần dần, từng bước một, vừa sắp xếp, vừa nghe thử sau vài lần điều chỉnh vị trí các loa bạn sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho hệ thống âm thanh home theatre. Nhờ hệ thống âm thanh được chọn lựa và sắp xếp hoàn hảo, hình ảnh càng trở nên hấp dẫn hơn và gia đình bạn sẽ có những phút quây quần thưởng thức phim ảnh đầy thú vị ngay tại ngôi nhà thân yêu.
(Theo Nghe Nhìn)