Sáng 11/11, những hộ dân cuối cùng khu tập thể C1 Thành Công (quận Ba Đình) vẫn tiếp tục chuyển đồ. Toàn bộ khu chung cư nguy hiểm này đã bị cắt điện, nước từ ngày 8/11. Một lô cốt cao hơn 2 mét được dựng lên, quây kín tòa nhà, chuẩn bị phục vụ phá dỡ.
Cách đó 3 km, khu tái định cư N06 Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cao 14 tầng dồn dập đón tiếp hơn 100 hộ dân vừa chuyển đến. Đây là tòa nhà được bố trí cho toàn bộ các hộ dân ở khu tập thể C1 tạm cư. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận nhà, hàng trăm người dân mới di dời đã dở cười, dở mếu vì chất lượng khu chung cư bề thế.
Những hộ dân cuối cùng rời khởi tòa nhà nguy hiểm C1 Thành Công. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông Lê Văn Thảo, chủ căn hộ ở tầng 10, cả nhà có bốn cửa thì cả bốn cửa đều phải dùng búa để phá mới vào được. Sáng hôm sau ngủ dậy thì giường ướt đẫm vì nước từ trên trần rỏ xuống. Ngay hôm đó, ông Thảo phải thuê thợ về thay toàn bộ các ổ khóa mới.
Còn ông Lê Huy Du, căn hộ 80 cho biết1, mấy ngày nay, cả tòa nhà như một công trường. Từ sáng đến tối các toán thợ dồn dập lên xuống khoan cửa, đục tường, sửa chữa vòi nước...
"Nhà tôi chuyển đến được 4 hôm rồi nhưng hôm nay mới thay được khóa. Riêng chỗ thấm nước trong nhà tắm thì đành chịu, phải nhờ ban quản lý lên xem", ông Du nói.
"Nổi tiếng" nhất trong các căn hộ mới chuyển đến là nhà 1304 của chị Trương Thị Thử. Tại đây, toàn bộ hệ thống cửa ra vào đều phải thay khóa. Nhiều khu vực trong nền nhà gạch vỡ nát. Khi nhấc các viên gạch ở dưới nền nhà ra thì bên dưới chỉ còn trơ lại lớp cát mỏng. Trong phòng vệ sinh thì nước thấm đẫm ướt trần, nhỏ từng giọt, muốn sử dụng thì chỉ còn cách... đội nón.
Nhiều căn hộ tại N06 phảii gia cố, sửa chữa mới sử dụng được. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
"Đấy là lúc này mọi người trên tầng không nấu ăn, tắm giặt, chứ vào tầm trưa và tối thì nước từ trên xuống chảy tong tong, phải đem xô chậu ra hứng", chị Thử cho biết.
Theo ông Đoàn Đức Hiện, một trong 3 tổ trưởng dân phố khu tập thể C1 Thành Công, không có hộ dân nào ở tòa nhà N06 hài lòng với chất lượng tòa nhà. Mỗi gia đình phải bỏ ít nhất vài triệu đồng để sửa chữa, khắc phục sự cố của căn hộ mới. Lỗi thường gặp nhất ở nhà N06 là ổ khóa hỏng, tường và gạch sàn nhà bong vỡ, nhà vệ sinh thấm nước, hỏng thiết bị.
Chỉ vào nhà vệ sinh căn hộ 303 của mình, ông Hiện cho biết, hôm chuyển đến, nhà ông không đóng được cửa, hầu hết các thiết bị vệ sinh đều hỏng, phải đi nhờ nhà người khác. Theo ông tổ trưởng dân phố này, tuy nhà mới nhưng chất lượng tòa nhà khiến ông cảm thấy lo lắng.
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố nên đã nhanh chóng di dời đến đây. Nhưng không ngờ tòa nhà chỉ được mỗi không gian rộng rãi, còn chất lượng thì quá kém", ông Hiện bức xúc nói.
Theo ông Đoàn Đức Hiện, chất lượng tòa nhà là rất kém. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo đại diện ban quản lý tòa nhà, nhà N06 mới đưa vào sử dụng khoảng một năm nay. Hiện, các thành viên trong ban quản lý đang đi từng căn hộ để ghi nhận các hỏng hóc, sự cố.
"Sau khi xem xét tổng thể, chúng tôi sẽ có phương án khắc phục", vị đại diện này cho biết.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress.net, trong khi chờ ban quản lý tòa nhà, người dân đều phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa để phục vụ các nhu cầu thiết yếu.
"Họ bảo xem xét, sửa chữa thì chúng tôi cũng biết thế thôi. Còn thay khóa cửa, hỏng nhà vệ sinh thì làm sao chờ được, phải bỏ tiền ra mà làm ngay chứ", ông tổ trưởng Hiện nói.
Chiều 10/11, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó chủ tịch UBND Hà Nội đã trực tiếp thị sát nhà N06, ghi nhận những phản ánh của người dân. Theo bà Hằng, thành phố đã chỉ đạo việc hoàn thiện thủ tục tiếp nhận, quản lý và tạo điều kiện về điện, nước, an ninh trật tự, học hành... cho các hộ dân từ khu nhà C1 Thành Công chuyển đến. Quận Ba Đình có trách nhiệm sớm tháo dỡ nhà C1 và thống nhất với đơn vị quản lý nhà việc xây dựng, quản lý khu đất.
Trước đó, trong kế hoạch được thông báo với các hộ dân lúc di dời, tháng 12 này, phương án phá dỡ, xây dựng lại nhà C1 mới được công bố. Trong thời gian xây dựng lại, người dân được tạm cư không mất tiền tại nhà N06. Hộ dân nào có nguyện vọng được định cư luôn tại đây cũng sẽ được xem xét.
Tòa nhà N06 Dịch Vọng đang được Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng) quản lý, khai thác.
Nguyễn Hưng