Ngày 2/12, kỹ sư Nguyễn Văn Linh, người trực tiếp chăm sóc đàn bò tót cho biết, bò mẹ chuyển dạ sinh con trưa qua. Bò con giống cái, nặng khoảng 20 kg, lông vàng, trên sóng lưng có màu sậm hơn, đã tự đứng bú mẹ và đi lại trong chuồng. "Nhìn mắt thường có thể thấy sức khỏe của nó rất tốt", anh Linh nói.
Ông Nguyễn Đình Tích, người dân được thuê coi trại và hỗ trợ cán bộ vườn quốc gia chăm sóc đàn bò nhiều năm qua cho biết, mẹ của con F3 này hơn 3 năm tuổi.
Bốn năm trước, bò tót đực F1 xổng chuồng, giao phối với bò cái nhà của ông Tích đang thả bên bờ sông, sinh ra mẹ F2 này. Nó đã được dự án nghiên cứu cấp nhà nước mua lại với giá 50 triệu đồng, nhập cùng đàn 10 con F1 trong trại.
Còn cha của con F3, ông Tích nói rằng chưa thể xác định được. "Vì bò mẹ khá thuần, thường được thả chung với bò nhà, nên khó biết được con đực nào đã phối với nó", ông Tích nói.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình cho biết, đơn vị sẽ lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để biết rõ con F3 vừa sinh ra có bao nhiêu phần trăm gen của bò tót rừng.
Năm 2009, một bò tót đực nặng một tấn từ rừng về thôn Bạc Rây, giao phối với các bò cái nhà đang chăn thả ở rẫy. Đến năm 2014, bò tót đực chết trong rừng, đã để lại hậu duệ hơn 20 con lai F1 trong các đàn bò nhà của người dân địa phương.
Trong số đó, nhà nước đã mua lại mười con lai F1 (5 cái, 5 đực) để phục vụ dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy nguồn gen do Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng chủ trì. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, do thiếu kinh phí, đàn bò tót không được ăn đầy đủ, đã dẫn đến suy kiệt, ốm trơ xương.
Hai tháng trước, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng giao lại đàn bò cho Vườn quốc gia Phước Bình chăm sóc. Tỉnh Ninh Thuận tạm ứng 100 triệu đồng để mua thức ăn, thuốc men cùng các chi phí khác để vỗ béo đàn bò, nay đã hồi phục.
Vườn quốc gia Phước Bình đã lập đề án bảo tồn nguồn gen quý của bò tót, chuẩn bị trình hội đồng khoa học thông qua. Theo đó, đàn bò tót sẽ được dời về gần bìa rừng cách đó 3 km, có đồng cỏ và không gian sống tự nhiên rộng hơn 4 ha.
Việt Quốc