Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ sáu, 7/8/2015, 19:55 (GMT+7)

Bộ Tổng tham mưu - Đầu não của Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Tổng tham mưu là cơ quan tham mưu quân sự cơ mật của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện quân sự, nắm bắt tình hình địch và ta, bày mưu kế đấu tranh với địch...

Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được khai sinh, kẻ thù bao vây bốn phía nhằm hạ bệ chính quyền non trẻ. Để bảo vệ chính quyền cách mạng, cách đây tròn 70 năm, ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Bộ Tổng tham mưu là cơ quan tham mưu quân sự cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ tổ chức huấn luyện quân sự cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thông suốt bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng", Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Hoàng Văn Thái khi giao nhiệm vụ cho ông. Trong ảnh là ngôi nhà số 16 phố Ri-ki-ê, nay là số 18 Nguyễn Du, Hà Nội - trụ sở đầu tiên của cơ quan Bộ Tổng tham mưu.

Ông Hoàng Văn Thái là người được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong buổi giao nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ta vừa giành được độc lập, tự do, cả nước đang tích cực xây dựng quân giải phóng và tự vệ để cùng toàn dân giữ gìn độc lập, tự do”, cho nên Chính phủ lâm thời quyết định tổ chức Bộ Tổng tham mưu để “chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước”.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương và căn cứ vào thực tiễn chiến trường, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Cục Tác chiến, Cục Quân huấn tích cực nghiên cứu cách đánh địch để từ đó đề ra nội dung và phương pháp huấn luyện bộ đội phù hợp.

Trong chiến đấu, các lực lượng tham gia phải tuân thủ phương châm “bí mật, bất ngờ, vận động nhanh, bám sát địch, xung phong mạnh, đánh nhanh giải quyết nhanh”. Trong trường hợp tương quan lực lượng không có lợi thì tổ chức rút lui. Khi lui quân phải thu dọn chiến trường nhanh, lợi dụng địa hình, địa vật để thoát khỏi trận địa, tránh pháo địch. Để đánh đường không hiệu quả, Bộ Tổng tham mưu khuyến khích các lực lượng tổ chức đánh khơi ngòi, dụ địch tới và chủ động đánh khi chúng vừa đổ bộ.

Ngoài chỉ đạo làm tốt công tác nắm địch, Bộ Tổng tham mưu còn yêu cầu các đơn vị chú trọng huấn luyện cho bộ đội chiến thuật tập kích, đánh địch đang vận động, đánh địch đổ bộ đường không, đánh xe tăng, xe bọc thép, đánh giáp lá cà, đánh đêm; bắn máy bay bằng súng bộ binh...

Từ sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu, những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước đã được bàn thảo, quyết định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đồng hành cùng với Bộ Tổng tham mưu thực hiện nhiệm vụ.

Với những chỉ đạo chiến lược xuất sắc, Bộ Tổng tham mưu đã hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đánh đuổi được mọi kẻ thù, trong đó có hai đế quốc hùng mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau khi cả nước độc lập, thống nhất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực vẫn chống phá. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tổng tham mưu là xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời tích cực tham gia xây dựng kinh tế và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong ảnh là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế tại quân chủng Hải quân tháng 12/1976.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đoàn Khuê cùng cán bộ Bộ Tổng tham mưu hội đàm với Đại tướng G.Vecxi, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích.

Bộ Tổng tham mưu cũng đã chỉ đạo cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên toàn tuyến biên giới Tây Nam giành thắng lợi. Trong ảnh là ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu trên đường đến các đơn vị truyền đạt quyết tâm tác chiến chiến lược tại mặt trận biên giới Tây Nam tháng 12/1978.

Cán bộ Bộ Tổng tham mưu báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng về kế hoạch chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời kỳ "đất nước vừa có hòa bình vừa có thể xảy ra chiến tranh".

"Trong chiến tranh, Bộ tổng tham mưu để chiến đấu, đấu tranh giải phóng dân tộc, trực tiếp chỉ huy các chiến dịch đi đến thắng lợi. Còn trong thời bình, Bộ tổng tham mưu có nhiệm vụ tham mưu để bảo vệ Tổ quốc, giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước", Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Văn Tuấn cho hay.

Hoàng Thùy
Ảnh: Viện Lịch sử Quân sự