Tôi học xong 4 năm đại học và ra trường công tác được gần 5 năm và đã lập gia đình, có một cô công chúa hơn 14 tháng tuổi. Nhưng trong cái nhìn của bố tôi, tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Thời gian trôi nhanh, những tưởng có thể cuốn trôi đi tất cả những gì thuộc về quá khứ - dù cho nó có buồn đau như thế nào đi chăng nữa. Song, trong tôi, quá khứ ấy vẫn còn hiện hình rõ nét như mới vừa hôm qua. Bố tôi - con người vĩ đại nhất. Trên đời này không gì có thể đánh đổi được tình yêu thương của 4 chị em chúng tôi dành cho bố. Nhân viết về mái ấm trong tôi, tôi muốn gửi những lời thân thương nhất dành tặng cho bố tôi - người có công rất lớn trong việc tạo dựng cuộc sống cho 4 chị em tôi hiện tại.
Vì chúng tôi, bố đã phải vay tiền mua xe chở đất, đá, lúa, gạo… cho bất kỳ ai trong làng để có tiền cho chúng tôi ăn học. Rồi kiếm không đủ tiền, bố tôi bán xe lên Thái Nguyên làm công việc trông cửa hàng bán đồ sành sứ ban đêm cho những người Trung Quốc. Bố lại ra Quảng Ninh trông nhà cho con rể người họ hàng ở quê làm nghề khai thác than. Nhưng vì khó nhọc quá mà sức bố tôi thì có hạn nên sau hơn một tháng làm việc, bố tôi đành trở về nhà mà vẫn chưa nhận được một đồng lương.
Bố quyết định vào Sài Gòn - mảnh đất vốn dĩ rất xa lạ đối với những người nông dân chân chất như bố. Vậy mà vì chúng tôi, bố vẫn quyết tâm thử một lần. Những ngày nắng gió tại đất Sài thành xa hoa này, bố tôi xin được công việc trông xe cho một công ty may mặc tư nhân với lương tháng khởi điểm là 1,5 triệu đồng đã tính tiền ăn. Để nhận được số tiền đó, bố phải ngồi tự 7h sáng đến 9h đêm, có những ngày tăng ca, bố phải ngồi suốt đêm như thế. Phòng ngủ của bố chỉ là một góc nhỏ phía ngoài, đường vào ngôi nhà lớn, chỉ đủ để vỏn vẹn có một cái giường đơn, chăn màn thì không có. Những ngày đầu, bố tôi bị sốt xuất huyết phải nằm co ro một mình mà vẫn không nói một lời với chúng tôi. Bố tôi là như vậy, chỉ biết mình mình khi bị đau, không muốn có một ai san sẻ cùng. Cả mấy chị em tôi và mẹ tôi ở nhà nữa, bố đều giấu hết. Cho tới khi có chú Thanh - em họ bố tôi báo tin thì khi đó, mấy mẹ con tôi mới vỡ lẽ và nghẹn đắng cổ họng vì thương bố.
Gần hai năm trời, bố tôi làm công việc ấy, nhưng sau đó, vì thấy số tiền quá ít nên bố xin người ta thôi làm để tìm công việc khác nhiều tiền hơn. Song vì công ty làm ăn thua lỗ nên họ vẫn nợ tiền bố đến 4 tháng lương. Những ngày chưa nhận lương, bố tôi lại ăn ký nợ quán nhà bên cạnh công ty, giờ có ý không làm nữa, bố nhờ bà chủ tiệm cơm nhận tiền hộ và trừ tiền cơm luôn. Bố vốn dĩ khắt khe với mấy chị em tôi trong nhà thôi, chứ với người ngoài thì tính bố dễ chịu vô cùng. Người ta thấy tính bố thật thà, chăm chỉ nên họ có tăng lương lên một chút và mời bố tôi ở lại làm tiếp nhưng lương thì họ vẫn không thể trả lúc này bởi hàng hóa, quần áo chưa xuất được. "Ngay cả công nhân làm tại đó mà chúng tôi còn nợ nợ nữa là" - họ nói thế. Bố tôi lại ở lại làm tiếp vì nể họ.
Rồi được mấy tháng nữa bố xin nghỉ làm luôn để sang làm thợ mộc cho một xưởng tư nhân nọ để được nhận tiền tươi hằng tháng luôn. Đủ tháng, bố xin người ta trả tiền và về Bắc. Số bố tôi lận đận. Về rồi, bố quyết định không đi nữa mà ở nhà đi lái xe thuê cho người ta để kiếm một ngày 140.000 đồng. Bố đi làm khi có việc và người ta gọi điện khi nào là bố phải có mặt khi đó. Vì xe của họ, hàng hóa của họ, tiền của họ còn mình thì đi làm thuê mà. Bố cứ nghĩ vậy rồi chịu khó đi làm mà không một tiếng kêu ca. Mấy hôm trước, các cậu tôi đang làm ở Hà Nội có nói ngoài đó làm lương cũng khá. Bố có ý hỏi dò xem thế nào. Công việc chủ yếu là phụ hồ, lắp đặt, khiêng vật liệu cho người ta. Nhưng ở tầng dưới còn đỡ chứ lên tầng 9, 10 thì cực lắm. Bố tôi xin nghỉ công việc ở nhà rồi theo các cậu ra Hà Nội làm thử. Quả thực vất vả lắm. Các cậu sức còn trẻ nên có thể kham được. Còn bố tuổi đã cao lại hay bị giãn dây chằng nên mang vác khó khăn.
Mặt khác, tính bố tôi vốn sạch sẽ. Làm việc xong rồi, mấy anh em đêm ngủ chỉ tạm bợ một túp lều cạnh công trình để tiện làm việc chứ lấy tiền đâu ra mà thuê nhà trọ. Tôi nghe cậu nói, có công trình bên cạnh bệnh viện, mấy anh em nằm ngay cạnh bãi rác bệnh viện thải ra. Mùi khó chịu đến mấy cũng phải chịu đến hai, ba tháng trời, có khi còn dài hơn nữa vì phải phụ thuộc vào công trình của người ta. Bố tôi làm được hai tháng thì về. Tôi ra trường. Em Chung thì năm nay cũng đã ra trường và xin được vào làm tại công ty sữa của doanh nghiệp tư nhân Sài Gòn. Còn Thùy, Thư vẫn tiếp tục học đại học. Mấy chị em tôi vẫn thường nói đùa trong bữa cơm cả gia đình: "Bố mẹ cố gắng vì bốn chị em con. Hai, ba năm nữa thôi, khi đó, chúng con ra trường rồi sẽ báo hiếu bố mẹ". Bố mẹ tôi gượng cười rồi rơm rớm nước mắt… Bây giờ hai em tôi vẫn còn học. Bố mẹ tôi vẫn phải còng lưng gồng gánh. Hai năm nữa… dài, ngắn, ngắn, dài… trĩu nặng hai vai bố mẹ tôi. Khi nào chúng tôi mới có thể thực hiện được lời hứa của mình. Bố mẹ ơi, con đã có gia đình và đã là một người mẹ nhưng những hi sinh của bố mẹ cho chúng con, làm sao chúng con có thể đáp đền được dù chỉ một phần.
Từ ngày 5/11 đến 4/12, độc giả có thể tham gia cuộc thi viết "Mái ấm trong tôi" do VnExpress và nhãn hàng Schneider Electric - Chuyên gia trong lĩnh vực quản lý năng lượng - phối hợp tổ chức.
Bài dự thi phải được thể hiện bằng tiếng Việt có dấu, dài 300 - 1.000 từ, chia sẻ về kỷ niệm ngọt ngào với ngôi nhà thân thương, những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình hoặc ước mơ về một tổ ấm tương lai. Cuộc thi gồm một giải nhất - một iPad 3 trị giá 16 triệu đồng và 10 giải khuyến khích - mỗi giải là phiếu mua hàng siêu thị và sản phẩm Schneider Electric trị giá 2 triệu đồng. |
Lê Thị Xuyên