Chị Vân cho biết, suốt ngày cậu con trai chỉ biết đi học, về đến nhà lại cắm đầu vào cuốn sách hay máy vi tính. Cậu chưa bao giờ biết giúp mẹ chút việc nhà, thậm chí chuyện vệ sinh cá nhân, ăn uống, cũng bị ba mẹ nhắc nhở thường xuyên.
Trò chơi vận động rèn luyện tính đoàn kết làm việc theo nhóm cho các bạn trẻ trong chương trình trại hè kỹ năng sống. Ảnh: M.S. |
"Một người bạn của tôi cho biết từng cho con tham gia vào khóa học quân đội và cháu đã thay đổi rất nhiều. Tôi hy vọng, sau khi được rèn luyện trong môi trường quân đội nghiêm khắc, sống với tác phong của người lính như dậy sớm, ăn ngủ đúng giờ, tự giặt giũ... con mình sẽ có thêm nhiều trải nghiệm", chị Vân tâm sự.
Người mẹ trẻ suy tư, có lẽ được sống trong điều kiện quá đầy đủ nên nhiều đứa con bây giờ có tư tưởng quá lệ thuộc vào bố mẹ, đâm ra nhút nhút, không biết chủ động trong cuộc sống. Suy nghĩ thế, nên dù chi phí cho khóa học tại Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (TP HCM) khá cao, chị Vân vẫn cố gắng cho con theo học vì biết sẽ tốt cho con.
Không đến nỗi quá non nớt như trường hợp con trai chị Vân, nhưng chị Mai, ngụ ở quận 3, vẫn muốn cho cô con gái sắp vào lớp 12 tham gia các lớp học kỹ năng sống, để chuẩn bị con đường du học tự lập ở nước ngoài.
"Tôi có theo dõi nhiều thông tin và được biết, sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài rất giỏi về 'học lựa', tức 'học tủ', nhưng lại thua kém ở khâu áp dụng thực tiễn và nhút nhát hơn so với sinh viên các nước khác. Chính vì vậy tôi nghĩ cần phải chuẩn bị tốt cho con ngay từ bây giờ để cháu tự tin hơn sau này", chị Mai.
Con gái chị Mai được mẹ cho tham gia các khóa học về ứng xử, giao tiếp, thuyết trình cũng như cách làm việc theo nhóm... Chị Mai cho rằng, đây là các kiến thức tối thiểu cần có cho con gái sống tự lập ở nước ngoài.
Không chỉ là học sinh, không ít sinh viên hiện nay cũng thiếu nhiều kỹ năng sống sau khi ra trường, kiếm việc làm.
Sau khi tham gia chương trình "Phỏng vấn thử - thành công thật" do Trung tâm hỗ trợ sinh viên thực hiện, Hoài Thương, sinh viên khoa Kế toán Đại học Marketing thừa nhận mình còn thiếu quá nhiều kỹ năng xin việc sau khi tham gia một cuộc phỏng vấn thử với nhà tuyển dụng.
"Sau 15 phút trao đổi với đại diện doanh nghiệp em học được rất nhiều thứ. Ngoài vốn kiến thức nhà trường, những điều cơ bản như viết một lá đơn xin việc làm sao gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, cách ăn mặc, giao tiếp, trả lời phỏng vấn thế nào... cũng góp phần quan trọng để xin được việc", Thương thành thật chia sẻ.
Để giải quyết, nhiều bạn trẻ như Thương tham gia những khóa học rèn kỹ năng xin việc cũng như kỹ năng sống tại Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP HCM. Những khóa học này được khai giảng đều đặn quanh năm, thu hút đông đảo sinh viên theo học.
Các bạn trẻ trình bày khả năng thuyết trình của mình. Ảnh: M. S |
Ngoài các lớp học thường niên, hiện nay tại TP HCM, nhiều loại hình rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn trẻ cũng được tổ chức theo từng khóa ngắn hạn, nhất là trong dịp hè như: học kỳ quân đội của Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam, trại hè, các lớp thuyết trình, nói chuyện trước công chúng của các quận, đại học... hay cả những câu lạc bộ ngoại khóa do các bạn trẻ tự tổ chức. Hình thức thi diễn, giao lưu, đối thoại giữa giới trẻ với các chuyên gia cũng diễn ra ở nhiều trường, nhằm cung cấp thêm vốn sống.
Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên, Sở giáo dục đào tạo TP HCM Trần Khắc Huy cho biết, trong nhà trường, chủ yếu học sinh chỉ được dạy kỹ năng học tập, còn việc giáo dục kỹ năng sống chưa được quan tâm nhiều. Hiện Bộ giáo dục đào tạo chủ trương phát động hoạt động này vào học đường.
"Tuy nhiên, vấn đề này mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào các môn học và những hoạt động ngoại khóa của đoàn trường mà chưa thể dạy độc lập. Ở mỗi cấp học, các em cần được trang bị khác nhau. Vì vậy, Bộ cần phải đưa ra một khung chương trình giảng dạy cụ thể. Theo đó, nhà trường và giáo viên mới biết định hướng cho từng nhóm đối tượng", ông Huy đề nghị.
Chuyên viên tâm lý Huỳnh Văn Sơn, cố vấn Trung tâm chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt nhận định, kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội giúp con người thích ứng và thành công trong cuộc sống. Chính vì vậy, chính bản thân mỗi người phải chịu khó rèn luyện. Người huấn luyện có thể là cha mẹ, chuyên gia hoặc chính người thân....
Ông Sơn cho rằng, hiện nay, thuật ngữ kỹ năng sống được sử dụng khá phổ biến nhưng có phần bị "lạm dụng" khi chính những người huấn luyện hay tổ chức và các bậc cha mẹ cũng chưa thật hiểu gì về nó. Nhiều người lầm tưởng và đồng nhất giữa kỹ năng sống, các kỹ năng mềm; đồng hóa giữa kỹ năng sống và kỹ năng thực hành xã hội...
Theo ông Sơn, giá trị của kỹ năng sống là học một lần dùng suốt đời. Cho nên cần cân nhắc khi lựa chọn những khóa học có tính chuyên biệt để được tiếp thu kiến thức chuyên biệt. Chương trình học phải cân bằng giữa lý thuyết và nội dung, phải có độ dày về mặt tâm lý, phương thức huấn luyện phải được thể hiện bằng sự trải nghiệm và khả năng bộc lộ nhận thức, cảm xúc.
"Phụ huynh cũng đừng hiểu lầm chỉ học cách ngồi, cách gấp mùng cho con là đã xong về kỹ năng sống. Cần nghiêm túc và cân nhắc để lựa chọn chính xác những gì mình muốn cho con cháu", ông Sơn nói.
Hải Duyên