Đọc bài 'Người Việt ăn tết dương 2018 tưng bừng, nên gộp tết Tây lẫn Ta' và các bình luận bên dưới tôi bỗng thấy buồn cho một số bộ phận người dân Việt Nam khi họ cho rằng nên bỏ tết Ta.
Bỏ tết Ta để ăn tết Tây khác nào bỏ đi một phần văn hóa và lịch sử Việt Nam, bỏ đi “hồn" Việt. Năm trước đã có những giáo sư, nhà nghiên cứu cũng phát ngôn bỏ tết Ta để ăn tết Tây vì tết ăn Ta vào thời điểm đó khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng, các giao dịch bị ngừng trệ. Các vị nói không sai nhưng cũng chẳng hẳn là đúng. Chẳng lẽ vì vậy mà chúng ta cứ phải theo họ hết cái này đến cái kia cho hợp hay sao.
Mỗi khi có bài báo nói về tai nạn giao thông trong ngày nghỉ tết thì y như rằng bên dưới lại có những bình luận tiêu cực như tết chẳng được gì mà nhậu nhẹt rồi tai nạn lại nhiều thêm, tết chỉ tốn tiền... Vậy xin hỏi nếu chúng ta ăn tết Tây thì chúng ta có nhậu không? Tại nạn có chắc sẽ không xảy ra nữa không?
Đừng đồ lỗi cho tết mà hãy xem mình uống đã có văn hóa hay chưa, lái xe có tuân thủ luật chưa. Rượu không có lỗi, tết không có lỗi, lỗi ở con người mà ra cả. Dù bỏ tết Ta ăn tết Tây mọi việc vẫn vậy mà thôi.
Còn tiền chúng ta cả năm vất vả kiếm ra để làm gì. Ngoài việc phục vụ cuộc sống hàng ngày thì cũng là để đến ngày tết được vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi. Mục đích của kiếm tiền từ xưa cho đến nay đều là để cho cuộc sống ngày một tốt hơn chứ không phải làm nô lệ cho đồng tiền.
Hãy nhìn sang láng giềng Trung Quốc, họ có dân số chiếm 1/6 thế giới, mỗi năm tết đến cảnh hàng đoàn người về quê ăn tết gây tắc nghẽn giao thông khiến chúng ta cảm thấy kinh hãi. Vậy sao họ không bỏ tết Ta ăn tết Tây? Tại sao họ vẫn là một trong ba nền kinh tết lớn nhất thế giới?
Như vậy mới thấy nét văn hóa của mỗi dân tộc như là linh hồn của quốc gia không nên bỏ và không được bỏ. Bởi bỏ tết là mất hết văn hóa, mất hết “hồn” dân tộc.
Nhiều người nói hiện nay chúng ta đón tết dương lịch cũng rộn ràng lắm. Người người đổ ra đường đón giao thừa, xem pháo hoa, ăn chơi, nhảy múa, chúc tụng nhau rất rôm rả. Vậy thì chúng ta ăn luôn tết Tây mà bỏ tết Ta đi. Những suy nghĩ này quá nguy hiểm, đành rằng nó có ảnh hưởng đến kinh tế nhưng không vì thế mà ta bỏ tết Ta được.
Tết Tây mọi người đi chơi vì đó là ngày nghỉ, họ cũng muốn hòa vào không khí đón năm mới của thế giới. Họ đi ngắm pháo hoa giải trí thôi nhưng thực tình trong lòng không có gì gọi là cảm xúc linh thiêng giờ phút giao thừa cả, không có cảm giác như đón tết Ta.
Cái cảm xúc ấy không phải nói muốn có là có được, nó bắt nguồn từ những gì linh thiêng và sâu xa của tết Ta từ ngày xưa. Không hẳn cứ có đào, mai, quất, bánh chưng, câu đối đỏ, chút gió lạnh hiu hiu... là có tết đâu. Cần nhiều thứ hòa trộn trong đó mới tạo nên được cái cảm xúc đón tết.
Ngày xưa tết là phải có câu đối đỏ, câu nêu, tràng pháo... Tết nay dù đã không còn được đốt pháo khiến cảm giác đón giao thừa không còn được trọn vẹn, cây nêu cũng ít xuất hiện, câu đối đỏ cũng vắng bóng nhưng cảm xúc về ngày tết vẫn còn nguyên trong mỗi con người Việt Nam. Đặc biệt là các cụ già đến thế hệ 7x, 8x.
Chẳng lẽ thấy mọi người đón tết Tây nhiều thì bỏ tết Ta để đón tết Tây. Chẳng lẽ thế giới có ngày 8/3 thì chúng ta nên bỏ ngày 20/10? Chúng ta đừng có thấy mọi người đón tết Tây đông mà bảo họ muốn đón tết Tây. Đó chỉ là sự hội nhập văn hóa, chúng ta cần hòa vào để không lạc lõng với thế giới chứ đừng thấy vậy mà cố “ngoáy” cho nó tan ra.
Những suy nghĩ bỏ tết chỉ là của một số bộ phận, một số cá nhân nhỏ ở thành phố vốn quen với cuộc sống đô thị. Họ có điều kiện kinh tế nên mọi thứ vật chất đều đủ cả. Hàng ngày họ đều được vui chơi giải trí tại các trung tâm. Họ đi du lịch nước ngoài nước trong liên tục nên với họ tết Ta hay tết Tây cũng không quan trọng.
Nhưng với đại bộ phận người dân nước ta tết là phải đón tết Ta, tết là phải về nhà, về quê quây quần cùng gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh trưng bánh tét, 3 ngày tết phải đi chúc tết bạn bè, anh em họ hàng, hàng xóm... thế mới là tết. Còn tết mà đi du lịch nước này nước kia thì đâu còn tết nữa.
Hội nhập là cần thiết để phát triển đất nước nhưng không nên bỏ đi những nét văn hóa dân tộc đã tồn tại hàng nghìn năm nay. Chúng ta có thể bỏ đi lễ hội chém lợn máu me, lễ hội cướp phết bạo lực vì nó không phù hợp nữa nhưng tết thì không thể bỏ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.